Nhà vệ sinh bệnh viện sẽ hết gây ám ảnh vì hôi bẩn, khai khẳm?

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 25/06/2016 06:25 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự án “Bệnh viện vệ sinh” với các tiêu chí xanh sạch đẹp. Theo đó, trong bệnh viện cần có hoa tươi, cây xanh và đặc biệt nhà vệ sinh phải đảm bảo... không có mùi.
Bình luận 0

Ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện

Chưa cần vào tận bên trong, người bệnh có thể cảm nhận từ xa mùi của các nhà vệ sinh bệnh viện (BV). Các BV tuyến T.Ư khó tránh điều này. Giấy vệ sinh, nước rửa tay… chỗ có chỗ không. Nhà vệ sinh lỉnh kỉnh xô chậu, khăn lau, chổi lau. Cụ thể như tại BV Mắt T.Ư, mặc dù phòng ốc được cơi nới sạch sẽ, quạt mát, nhưng vẫn không thể hài lòng về nhà vệ sinh. Ngay tại phòng điều trị theo yêu cầu, có ti vi, điều hoà mát rượi thì mở cửa ra là ập vào mùi nhà vệ sinh khai khẳm.

img

Nhà vệ sinh tại BV K Trung ương.  Ảnh: Diệu Linh 

Trong khi đó, theo tiêu chí chất lượng BV mà Bộ Y tế đã ban hành, có tiêu chí nhà vệ sinh với các yêu cầu: Có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, xà phòng (nước rửa tay), dung dịch sát khuẩn, có gương, không có mùi, đảm bảo 7-11 giường bệnh phải có 1 nhà vệ sinh. Nhưng hầu như ít BV T.Ư đạt được số điểm tối đa cho tiêu chí nhà vệ sinh. Theo tiêu chí này, BV phải dành 5-10% diện tích BV làm vườn hoa, công viên.

"Với tình trạng nhiều BV còn quá tải, cơ sở vật chất còn cũ kỹ, khuôn viên chật chội, một số BV sẽ “lực bất tòng tâm” đạt điểm cao về chất lượng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến tới đánh giá các BV theo từng mặt. BV mạnh mặt nào sẽ được tôn vinh thế mạnh đó, không chấm điểm tràn lan hoặc xếp loại chung chung”.
PGS Lương Ngọc Khuê

Bộ trưởng Tiến cũng thừa nhận, một số BV tuyến trên chưa xanh sạch đẹp, nhiều nơi nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay, trần nhà dột nát, ẩm mốc. Một số BV tuyến dưới còn dùng chiếu cũ, có khả năng nhiễm khuẩn. “Bộ Y tế đang xây dựng đề án yêu cầu các BV xây dựng cơ sở xanh sạch đẹp, bao gồm cả phòng điều trị, phòng khám đến nhà vệ sinh… Theo đó, khu nội trú phải có ghế đá, công viên cây xanh để bệnh nhân đi dạo. Khi chờ khám phải có ti vi, chỗ ngồi mát mẻ để bệnh nhân đọc tài liệu tuyên truyền, xem ti vi. Một số BV Nhi hiện nay đã có khu vui chơi, làm vơi bớt đau đớn, mệt mỏi cho các em” – Bộ trưởng cho biết.

Khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nhiều nhà vệ sinh dùng cho bệnh nhân và khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu xà phòng rửa tay, xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa, và đặc biệt là mùi hôi nặng nề không được xử lý kịp thời. Thậm chí, có nơi do không có người lau dọn nên nhà vệ sinh bị khoá lại không được dùng.

img

Còn theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số 251 BV đã được chấm điểm theo tiêu chí chất lượng BV (thang điểm 100) có 61 BV đạt 95 điểm trở lên, 180 BV đạt từ 74-94 điểm và chỉ có 10 BV có số điểm dưới 65. Tuy nhiên, đối với tiêu chí nhà vệ sinh thì chỉ có 5,2% BV đạt tiêu chí có đủ tải lau nhà ở các khu vực khác nhau riêng biệt (khu vực sạch và bẩn); 23% BV đạt các phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng. Ngoài ra qua kết quả đánh giá cho thấy, 50% BV có trần nhà và tường nhà sạch, không mạng nhện, rêu mốc; hơn 50% BV buồng vệ sinh có bồn rửa tay nước sạch, thường xuyên có xà phòng, khăn lau tay…

Quá tải, khó dọn

Quá tải BV là một trong những nguyên nhân khiến nhà vệ sinh BV bốc mùi. Bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, khu vệ sinh, đặc biệt là ở các khu BV đã xây dựng cách đây 15-20 năm, chỉ thiết kế để phục vụ 20-30 bệnh nhân/nhà vệ sinh. Tuy nhiên, số bệnh nhân đã tăng gấp hàng chục lần so với trước đây, mỗi bệnh nhân lại có 2-3 người nhà đi theo phục vụ, nhà vệ sinh phải phục vụ hết công suất. Cho dù có dọn dẹp liên tục, thay giấy, nước rửa tay thì cũng không đáp ứng được. “Ý thức của các bệnh nhân và người nhà cũng quá kém, trang thiết bị cũ kỹ, hỏng hóc, lại “chạy” quá tải hàng chục lần, do đó dẫn đến sự xuống cấp nhà vệ sinh” – ông Hùng cho biết.

img

Tại BV K T.Ư, một nhân viên vệ sinh cũng cho biết, cả ngày chị chỉ loanh quanh dọn dẹp vài nhà vệ sinh, mỗi nhà dọn 4-5 lần/ngày nhưng vẫn không xuể. Bệnh nhân, người nhà quá đông, nhà vệ sinh không đáp ứng được. Việc quên dội nước, vứt giấy bừa bãi diễn ra thường xuyên. Nhân viên vệ sinh không thể “canh” ở cửa để nhắc nhở từng người. Còn không ít bệnh nhân mang theo ống truyền dịch nên “đi” ngay bên ngoài, hôi thối không chịu nổi.

Với tiêu chí phải có công viên cây xanh, trồng hoa cỏ, một số lãnh đạo BV T.Ư chỉ cười trừ. Theo các lãnh đạo BV, diện tích BV rất chật chội, chỗ nào “hở” ra là cơi nới thêm phòng khám, phòng điều trị để “giãn giường”, tránh cho bệnh nhân nằm ghép. “Hàng chục nhân viên y tế còn chen chúc trong phòng làm việc 20-30m2, giường kê thêm ở hành lang, hàng trăm người dùng chung 1 nhà vệ sinh, thì lấy đâu chỗ cho vườn hoa, cây xanh. Chỉ có thể xây thêm BV mới cải tạo được BV xanh sạch đẹp” – một lãnh đạo nhận định.

TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho biết, vấn đề phổ biến nhất ở các nhà vệ sinh BV hiện nay là mùi hôi thối, đặc biệt ở các BV quá tải. “Viện đang hợp tác với các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành xây dựng thành công mô hình khử mùi nhà vệ sinh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng tại một số BV tuyến T.Ư và chuyển giao cho tuyến dưới” - TS Hải cho biết.

Theo PGS Khuê, sau khi phát động, hiện đã có gần 700 BV xây dựng kế hoạch thực hiện phát động phong trào, ký cam kết “Bệnh viện vệ sinh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem