Các nhà nghiên cứu NASA phân tích số liệu của chương trình Sứ mệnh Chiến dịch Cầu băng và nhận định, sau vụ nứt vỡ lớn năm 2002, phần còn lại của thềm băng Larsen B đang trải qua những thay đổi nghiêm trọng. Theo thông báo hôm 15/5 của NASA, nó vỡ vụn, các vết nứt gãy và luồng nước chảy ngày càng nhanh.
Việc thềm băng Larsen B tan chảy sẽ ảnh hưởng đến hiện tượng mực nước biển dâng. Ảnh: earthobservatory.nasa.gov
Nhà khoa học Ala Khazendar cho biết một vết nứt lớn đã xuất hiện tại khu vực thềm băng neo đậu nơi tầng nền của lục địa Nam Cực. Khi vết nứt này kéo ra hết bề rộng của thềm băng, phần phía trên của thềm băng sẽ bị tách, trôi đi và vỡ thành vô số núi băng nhỏ trôi trên đại dương. Sự biến mất của Larsen B sẽ khiến ba sông băng Leppard, Flask và Starbuck thu nhỏ lại.
Đầu năm 2002, Larsen B từng nứt gãy một lần. Khi đó, 715 km3 băng có độ dày 200 m và có diện tích bề mặt tương đương bang Rhode Island của Mỹ đã nứt vỡ và rơi xuống vùng nước ngoài khơi bán đảo Nam Cực.
Thềm băng Larsen B đang bao phủ diện tích 1.600 km2, với điểm dày nhất 500 m. Do đó, các chuyên gia lo ngại việc nó tan chảy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiện tượng mực nước biển tăng. Việc một khối băng khổng lồ, vốn ổn định từ hàng chục nghìn năm nay, sắp biến mất là điều gây sốc, các nhà khoa học nhận định.
(Theo VnExpress/The Weather Network)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.