“Có thực mới vực được đạo”
|
Cô đỡ thôn bản ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, Sơn La tư vấn về sức khỏe sinh sản cho người dân. |
“Việc Nhà nước công nhận chức danh y tế thôn bản cho cô đỡ thôn bản và có chế độ chính sách cho họ đã thật sự góp phần tháo gỡ những khó khăn rất lớn trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em” - đó là tâm sự của bà Cầm Thị Hươi, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La.
Sáng 2.5, gặp chị Lò Thị Thơm - cô đỡ ở bản Chiềng Ve, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La), chúng tôi cảm nhận được niềm vui ở chị khi được chính thức công nhận như một “nhân viên y tế”. Chị nói: “Làm ở thôn bản không dễ đâu. Lúc thì nhà này gọi vì con ốm, lúc chị kia trở dạ sắp sinh... Khổ nhất là phải đến các nhà, bởi họ thường ở thôn, bản xa, đường rất khó đi. Chúng tôi rất vất vả nhưng thu nhập quá thấp, lại không được đào tạo nên nhiều khi cũng thấy nản. Nay Nhà nước quan tâm, cho chúng tôi chế độ, chúng tôi có động lực để làm việc tốt hơn”.
Theo Thông tư 07 quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành, cô đỡ thôn bản được công nhận là nhân viên y tế thôn bản, được nhận 0,5 hệ số lương cơ bản đối với các vùng khó khăn và 0,3 mức lương cơ bản tại các xã còn lại. Họ cũng được trợ cấp thêm, nếu có, từ nguồn kinh phí hợp pháp, trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1.5.
Cô đỡ Chama Bá Thị Hén (dân tộc Rắc Lây) ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cũng vui hơn khi nghe tin sẽ được nhận “lương”. Chị cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi bộ 3- 4 tiếng đến những bản xa, vừa đỡ đẻ, vừa hướng dẫn kiến thức sinh sản cho bà con. Tôi đã giúp hơn 100 bà mẹ vượt cạn thành công.
Tuy làm việc như một cán bộ y tế thực sự, nhưng tôi chỉ được coi như “cộng tác viên” y tế, không được sinh hoạt chuyên môn với trạm y tế xã”. Trước đó, chị Hén được nhận 200.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ của dự án và tiền trợ cấp của huyện. “Giờ tôi có lương, hơn 500.000 đồng/tháng. Tuy không nhiều nhưng đó là sự khuyến khích, ghi nhận công sức của mình”- chị Hén nói.
Còn với anh Mùa A Dơ - nhân viên y tế kiêm “cô đỡ thôn bản” ở bản Lồng, xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thì: “Việc Nhà nước cho chúng tôi hưởng ưu đãi như cán bộ y tế cơ sở làm chúng tôi vui lắm. Có thêm thu nhập, mình đi làm việc cũng yên tâm hơn, tận tụy với nghề hơn. Hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là của bà mẹ, trẻ em sẽ được thực hiện tốt ngay từ tuyến bản. Ngoài ra, chúng tôi cũng được đào tạo, được “chuẩn hóa” thì sẽ làm việc tốt hơn”.
Làm nhiệm vụ cần “chính danh”
Theo ông Trương Văn Thọ – Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, huyện Bác Ái có đến 96,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và 100% là hộ nghèo. Đường sá xa xôi, phong tục sinh hoạt lạc hậu nên hầu hết chị em mang thai không đến trạm y tế mà đặt tính mạng của mình và con vào tay các bà mụ vườn, người nhà tự đỡ hoặc thậm chí tự đỡ đẻ cho chính mình.
Do đó, vai trò của cô đỡ thôn bản rất quan trọng. Tuy nhiên, trước đây lực lượng cô đỡ chưa được công nhận chính thức nên số được đào tạo cũng ít, chỉ có 64 người. Phụ cấp thấp, công việc vất vả, quyền lợi bấp bênh nên nhiều chị em bỏ nghề. “Với chính sách mới, tôi hy vọng cô đỡ thôn bản gắn bó với nhiệm vụ hơn”- ông Thọ nói.
Nếu không có cô đỡ thôn bản giúp cho các ca sinh đẻ tại nhà thì tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh có thể sẽ cao hơn rất nhiều. Việc công nhận chức danh sẽ giúp các cô đỡ yên tâm với nghề, giúp hạn chế tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.
TS Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế)
Sơn La là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, có 12 dân tộc sinh sống ở 204 xã, phường, thị trấn với hơn 3.200 thôn bản. Theo bà Cầm Thị Hươi: “Trách nhiệm của cô đỡ rất lớn: Nào là khám và hướng dẫn bà con cách điều trị những bệnh đơn giản; cách phòng chống bệnh tật thông thường; nắm bắt và phản ánh với y tế cấp trên về tình hình dịch bệnh ở cơ sở; tham gia chăm sóc sức khởe sinh sản, dân số - kế hoạch hoá gia đình...
Trong khi đó, trước đây họ không được công nhận chức danh, phụ cấp rất thấp, không thể đảm bảo đời sống để an tâm hoạt động”. Hiện tại, tỉnh Sơn La đang xúc tiến việc rà soát, lên danh sách cô đỡ thôn bản để bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh trả lương cho họ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, từ năm 1998, Bộ Y tế đã có Dự án đào tạo cô đỡ thôn bản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Các cô đỡ là người dân tộc tại thôn bản, được đào tạo cấp tốc từ 3- 6 tháng những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đỡ đẻ và được cung cấp gói đẻ sạch. Sau 18 năm, Dự án đã đào tạo được 1.300 cô đỡ thôn bản.
Đây là nguồn lực giúp giảm tử vong mẹ 130 (năm 2001) xuống còn 69/100.000 ca trẻ đẻ sống (năm 2009). Thế nhưng, nhiều nơi cô đỡ chỉ được hưởng phụ cấp 50.000 đồng/tháng. “Do chưa được chính thức đưa vào hoạt động trong hệ thống y tế, chưa có chức danh chính thức và chưa có nguồn phụ cấp chính thức nên nhiều cô đỡ đã bỏ nghề. Chính sách mới từ 1.5 sẽ hỗ trợ họ một cách tích cực hơn” – Thứ trưởng Tiến nhận định.
Diệu Linh - Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.