Thêm dự báo đáng chú ý về tăng trưởng GDP năm 2022, lên đến 7,5% không cần thêm hỗ trợ
Thêm dự báo đáng chú ý về tăng trưởng GDP năm 2022, lên đến 7,5% không cần thêm hỗ trợ
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 16/12/2021 09:09 AM (GMT+7)
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, không cần tung thêm hàng trăm nghìn tỷ như các đề xuất gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng có thể đạt tới 7 – 7,5%. Ngược lại, các chuyên gia của VCBS thì cho rằng, gói kích thích kinh tế cùng với các định hướng chính sách Chính phủ là điều kiện tiên quyết.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành báo cáo triển vọng năm 2022. Tại báo cáo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam tuy đi sau nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong chương trình tiêm chủng.
Các hoạt động kinh tế tiếp tục quá trình phục hồi dù có mức độ phân hoá, Chính phủ cho thấy phản ứng nhanh chóng trong điều hành.
Theo đó, các chuyên gia VCBS ước tính tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 2,1%-2,44%.
Đối với triển vọng năm 2022, Việt Nam dự báo tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các các quốc gia châu Á; và các hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Tuy vậy, một số rủi ro có thể xuất phát từ việc nhu cầu thế giới phục hồi thấp hơn mức kỳ vọng. Tương tự, sự hồi phục kinh tế trong nước mong manh trước sự đe dọa của các biến chủng mới của Covid-19.
Dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6,8%-7,2%.
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế 2022 được các chuyên gia VCBS chỉ ra gồm: Tăng trưởng chi tiêu công có thể tạo tác động tích cực lên chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân; Cầu tiêu dùng dần phục hồi; Gói kích thích kinh tế với quy mô hợp lý hướng vào đúng lĩnh vực và trước tết Nguyên đán sẽ giúp Việt Nam theo kịp tốc độ hồi phục của thế giới.
Gói kích thích kinh tế cùng với các định hướng chính sách Chính phủ là điều kiện tiên quyết đối với tăng trưởng kinh tế năm này, theo VCBS.
Bên cạnh đó, nền kinh tế năm 2022 cũng phải đối mặt với các rủi ro như tốc độ hồi phục kinh tế thế giới chậm lại, kéo giảm tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Kỳ vọng điểm sáng về các chính sách tiền tệ và sự kết hợp hài hòa với các chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được kéo dài trong các năm tiếp theo.
Một số điểm cần theo dõi khác như xu hướng sau đại dịch, xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu….
Lạc quan hơn với bức tranh tăng trưởng, chia sẻ với PV Dân Việt, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, không cần gói hỗ trợ mới, tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn có thể đạt 7%.
"Tôi cho rằng, không cần phải có gói hỗ trợ lên tới hàng trăm nghìn tỷ như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% - 7,5%.
Chưa kể, sức hấp thụ vốn nền kinh tế đang có vấn đề. Việc tung một chương trình hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng liệu dòng tiền có đi đúng hướng không – đó là vấn đề chúng ta cần lưu ý. Sẽ rất nguy hiểm khi dòng tiền "chảy" vào lĩnh vực đầu cơ, rủi ro mà không đi vào sản xuất kinh doanh, chứ không phải thực chất lợi nhuận doanh nghiệp tăng, và lạm phát chắc chắn sẽ bùng lên như bài học của gói hỗ trợ năm 2008", ông Thịnh nhấn mạnh.
Lạm phát có thể lên tới 4,5% năm 2022
Liên quan đến lạm phát, VCBS đánh giá năm 2022, nhà điều hành vẫn có trong tay các công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.
Thứ nhất, là việc Chính phủ tiếp tục lùi thời điểm tăng lương cơ bản, thay vì kế hoạch tăng vào tháng 7/2022.
Hai là, nhóm lương thực thực phẩm cũng như hàng hóa tiêu dùng, cần theo dõi đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn do gián đoạn sản xuất sau dịch; tuy nhiên, nhìn chung Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung.
Ba là, chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, thông điệp định hướng chính sách từ nhà điều hành rõ ràng và nhất quán.
Bốn là, Giá cả của các loại hàng hóa dịch vụ công, điện, nước, y tế trong khả năng điều hành và kiểm soát của Chính phủ.
Mặc dù vậy, luôn tồn tại những yếu tố gây áp lực tăng nhất định lên lạm phát trong năm 2022 như cầu tiêu dùng nội địa ghi nhận cải thiện đáng kể ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu. Hay như việc giá nguyên nhiên liệu đầu vào ở mức cao và có thể duy trì mặt bằng này sang đến nửa đầu năm 2022.
Ngoài ra, nhóm y tế cũng có thể ghi nhận áp lực tăng trong phục vụ cho nhu cầu chữa trị và công tác dự phòng
Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố nêu trên, các chuyên gia của VCBS dự báo lạm phát tăng 4,0% - 4,5% cho cả năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.