Thêm “kênh” dẫn vốn phát triển các mô hình hay

Thu Hà Thứ năm, ngày 08/10/2020 05:43 AM (GMT+7)
Từ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và có nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP).
Bình luận 0

Nhiều "kênh" dẫn vốn cho hội viên

Ông Đào Thanh Lưỡng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng 2030" giai đoạn 2014-2020, các cấp Hội đã đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đối với toàn bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra.Theo đó, trong giai đoạn 2014-2020, các cấp Hội ND đã chủ động và tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Cụ thể, Hội đã hỗ trợ 43,6 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND cho 195 dự án phát triển sản xuất với 900 lượt hộ vay (nguồn vốn tăng 31,6 tỷ đồng, bằng 363,3% so với năm 2012), trong đó tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo định hướng sản phẩm chủ lực của địa phương và gắn với xây dựng kinh tế tập thể.

Thêm “kênh” dẫn vốn phát triển các mô hình hay - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn cam đặc sản. Ảnh: Thu Hà

Cùng với tăng trưởng Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã ký thỏa thuận với 2 ngân hàng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cho vay tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ thông qua uỷ thác từ ngân hàng đạt 1.684,2 tỷ đồng, tăng 1.053,2 tỷ đồng so với cuối năm 2012, bằng 266,9%, cho 29.609 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

Lồng ghép vốn vay với thực hiện chương OCOP

Ông Đào Thanh Lưỡng cho biết: Hầu hết các dự án, mô hình vay vốn Quỹ HTND được phê duyệt, hỗ trợ đều gắn với chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP.

Cùng với hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội tích cực hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hàng loạt thương hiệu đã được các cơ sở Hội phối hợp xây dựng thành công, như: Vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí); nếp cái hoa vàng và na dai (Đông Triều); mía tím Quảng Ninh; tôm chân trắng Móng Cái; rau an toàn và trứng gà Tân An (Quảng Yên); gà, mật ong Tiên Yên, rượu mơ Yên Tử... Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích nhân rộng.

Theo ông Đào Thanh Lưỡng, do nguồn vốn hạn hẹp nên mức vay trung bình cho dự án, mô hình sản xuất chỉ ở mức 500-600 triệu đồng/dự án; 60-90 triệu đồng/hộ, trong khi đó thời gian vay không quá 36 tháng nên gây hạn chế trong đầu tư phát triển sản xuất. "Vì vậy, Hội ND Quảng Ninh đề nghị tăng nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án tập trung liên kết sản xuất; sản xuất các sản phẩm có thế mạnh địa phương (OCOP); ưu tiên các tổ hợp tác, hợp tác xã đã có liên kết để nguồn vốn phát huy hiệu quả trợ lực trong phát triển sản xuất cho người dân"- Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem