Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng luôn được các cấp hội quan tâm.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đề ra chỉ tiêu phát động đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, chỉ đạo cho Hội nông dân cơ sở phối hợp tổ chức xây dựng mô hình, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo một cách sát thực, hiệu quả.
Theo đó, đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua SXKD, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, từng bước cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch,…
Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Nhất là sản xuất lúa với tổng sản lượng lúa từ 2,1 triệu tấn (2015) lên 2,25 triệu tấn (2020), trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm trên 40%, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 121 triệu đồng (2015) lên 185 triệu đồng (2020).
Qua phong trào đã làm xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân SXKD giỏi, những điển hình tiên tiến, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, năm 2019-2020 đã có gần 133.700 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp chiếm hơn 63% so với hộ nông dân, công nhận đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp hơn 79.400 hộ, chiếm 60% so với hộ đăng ký (tăng gần 3.300 hộ so với năm 2015). Trong đó giỏi cấp Trung ương 298 hộ, cấp tỉnh 2.067 hộ, cấp huyện, thị, thành phố 20.485 hộ, cấp cơ sở 56.579 hộ.
Những hộ nông dân SXKD giỏi có thu nhập thấp nhất (trừ chi phí) trên 37 triệu đồng/năm/hộ, hộ có thu nhập cao nhất trên 2 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, những hộ nông dân SXKD giỏi còn giúp đỡ cho hơn 47.200 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ước trị giá hơn 70,1 tỷ đồng, với hơn 11.300 ngày công lao động, giúp cho hơn 40.000 lao động nông thôn có việc làm tại chỗ.
Đặc biệt, từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, chinh phục vùng đất khó bằng cách tự nghiên cứu tìm tòi các loại cây, con mới thay thế các giống cây con truyền thống có năng suất và chất lượng thấp. Nổi bật như mô hình đa canh tổng hợp lúa – cá - màu ở vùng ngọt Kế Sách, Mỹ Tú; mô hình lúa - tôm trong vùng nhiễm mặn Mỹ Xuyên, Long Phú; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Điển hình như hộ ông Đặng Văn Nám (xã Kế thành, huyện Kế Sách) trồng bưởi da xanh cho thu nhập trên 2,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; ông Đặng Văn Khởi (xã Trung Bình, huyện Trần Đề) với mô hình nuôi tôm công nghiệp cho thu nhập trên hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động.
Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống như: Đan đát, dệt chiếu, trầm nón, làm bánh…đang được khôi phục và phát triển trở thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã thu hút đông đảo lao động nông nhàn.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho những hộ nông dân SXKD giỏi tham gia các chương trình, hội thảo do Trung ương Hội, Hiệp Hội và các Bộ, ngành tổ chức.
Riêng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). qua quá trình triển khai thực hiện đã có 99 sản phẩm tại các địa phương trên toàn tỉnh đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh; trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 52 chủ thể.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Thông qua phong trào SXKD giỏi, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn,…
Để hỗ trợ cho phong trào phát triển, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, liên doanh, liên kết sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm cho nông. Nguồn Quỹ của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trên 16,7 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ hội viên, nông dân phát triển sản xuất.
Có thể khẳng định rằng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi không những mang lại đời sống vật chất ngày càng cao, mà còn giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.