Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Dự án "Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015" là 1 trong 5 dự án thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao" do UBND tỉnh phê duyệt.
|
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) giới thiệu với ND Hải Dương các loại máy nông nghiệp. |
Hội xây dựng dự án căn cứ vào Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2011-2015) và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 của tỉnh Hải Dương. Một căn cứ quan trọng nữa là từ hiệu quả Đề án "Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010" do Hội ND thực hiện. Việc xây dựng dự án còn xuất phát từ nhu cầu của hội viên, ND…
Việc thực hiện Đề án Hỗ trợ ND đầu tư máy nông nghiệp giai đoạn 2008-2010 kết quả ra sao, thưa bà?
- Đề án này do Hội ND tỉnh xây dựng và thực hiện, được cấp ủy, chính quyền, các ngành và hội viên, ND đánh giá cao. Đã có trên 1.000 hộ hội viên, ND trong tỉnh có máy móc phục vụ sản xuất, gồm 966 máy làm đất, 57 ô tô tải nhẹ với tổng số tiền mua máy là 34,8 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 25,4 tỷ đồng; tổng số tiền ND được hỗ trợ lãi suất trong 3 năm là hơn 7 tỷ đồng.
Đề án đã góp phần đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phong trào dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ nông nghiệp. Hơn 1.000 hộ thực hiện đề án trong 3 năm đã thu lãi gần 60 tỷ đồng, nhiều hộ trở thành hộ SXKD giỏi. Các hộ SXKD giỏi đã cùng với Hội giúp trên 3.000 hộ nghèo ổn định cuộc sống.
So với giai đoạn trước, việc hỗ trợ ND cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015 có gì mới?
- Dự án "Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012- 2015" là sự tiếp nối Đề án giai đoạn 2008 - 2010, cơ bản không có gì mới về đối tượng thụ hưởng dự án cũng như các chính sách hỗ trợ lãi suất. Ngoài máy làm đất và ô tô tải nhẹ như giai đoạn trước, giai đoạn này dự án được bổ sung thêm 2 chủng loại máy: Máy tuốt lúa và máy gặt đập liên hợp. Các loại máy phải mới 100%, có xuất xứ rõ ràng. Người mua máy được vay tối đa 75% giá trị máy và được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 3 năm tính từ ngày mua máy.
Người mua máy được vay tối đa 75% giá trị máy và được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 3 năm tính từ ngày mua máy.
Khi xây dựng dự án, Hội có tính tới số lượng máy sẽ dư thừa so với nhu cầu thực tế?
- Trước khi xây dựng Dự án "Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015", Hội đã khảo sát số lượng máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cắt gặt mới đạt 5%; vận chuyển gần 50%; làm đất trên 70%.
Như vậy, với diện tích gần 64.000ha lúa/vụ, việc tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là cần thiết. Mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 95%, vận chuyển 80%, cắt gặt 30%... thì với số lượng máy như dự án được phê duyệt (800 máy làm đất, 200 máy tuốt lúa, 100 ô tô tải nhẹ, 35 máy gặt đập liên hợp), vì vậy việc tiếp tục hỗ trợ ND mua máy nông nghiệp là cần thiết.
Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Công (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.