Thêm quan bị điều tra: Quan to ăn dày!

Thứ hai, ngày 17/06/2013 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đang tích cực phòng chống cán bộ đảng viên biến chất, và một cựu chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh An Huy là đối tượng mới nhất bị “soi”.
Bình luận 0

Tân Hoa xã vào thứ ba tuần qua đưa tin Ni Fake bị điều tra vì bị “nghi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ để tránh nói khả năng cán bộ đảng viên tham nhũng. Hãng tin trên không cung cấp chi tiết, nhưng các tuyên bố này thường chỉ rằng một đảng viên đang bị tạm giam để điều tra. Cuộc điều tra được công bố khi giới truyền thông nhà nước ra sức tuyên truyền về nỗ lực mới nhất của CPC trong việc chống tham nhũng, một lý do chính khiến người dân bớt tin yêu đảng.

img
Ni Fake

Thưởng to cho “bạn hiền”

Theo lý lịch trích ngang của Ni, ông ta sinh năm 1954, làm phó bí thư thành ủy Wuhu trước khi chuyển đến thành phố Lu’an, nơi sau này ông ta trở thành bí thư thành ủy, rồi năm 2008 được cất nhắc lên chức phó chủ tịch tỉnh An Huy, phụ trách mảng nhà-đất, bảo vệ môi trường cùng các mảng khác. Các mảng này thường xảy ra tình trạng tiêu cực, với các cán bộ công chức trải tầm quyền lực của mình lên các vụ mua bán đất đai, các dự án nhà ở cùng cấp phép lập xí nghiệp, nhà máy…

Những năm gần đây, An Huy là “điểm nóng” vì nhiều vụ việc tiêu cực ở các mảng này. Khi toàn TQ có chủ trương xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhiều cư dân An Huy đã gửi đơn phàn nàn chuyện các nhà này “lủng” nhiều lỗ lớn trên tường và sàn. Hoặc năm 2011, một xí nghiệp sản xuất pin ở An Huy đã làm hơn 200 thiếu nhi bị ngộ độc chì.

Đầu năm 2013, Ni bị “cất” trong một cuộc tái cơ cấu nhân sự lãnh đạo nhưng đảng ủy tỉnh không cho biết lý do. Theo báo 21st Century Business Herald thì Ni bị Ủy ban kỷ luật trung ương (CCDI, thuộc CPC) điều tra vì “có vấn đề về tài chính” từ năm 2002 đến năm 2008, khi ông ta là bí thư thành ủy Lu’an (thuộc tỉnh An Huy) và thông đồng với một chủ mỏ địa phương.

Sau khi Ni quen doanh nhân Ji Lichang (ở tỉnh Hồ Bắc, giám đốc công ty mỏ Dachang ở Lu’an) họ trở thành bạn thân và Ni xem Ji là “anh kết nghĩa”. Một số cán bộ hưu trí tố cáo Ni với CCDI nói Ni không chỉ “ăn bẩn” tiền của Ji, mà còn có cổ phần lớn ở Công ty Dachang. Địa chỉ web của công ty này “khoe” rằng họ là đơn vị đầu tiên được cấp phép khai thác mỏ ở Lu’an, và các cựu cán bộ tiết lộ Ni giữ vai trò tích cực trong việc cấp phép khai thác mỏ.

Hồi đầu năm nay, đoàn thanh tra Lu’an đã triệu tập Ji để điều tra sơ bộ, theo một thanh tra viên cho biết. Khi Ni được chuyển lên hàng cán bộ cấp tỉnh, công ty của Ji được cho là đã nhận số tiền thưởng 600 triệu tệ (97,9 triệu USD) từ UBND thành phố Lu’an. Đó là một khoản tiền không nhỏ trong nguồn thu tài chính 700 triệu tệ của cơ quan lãnh đạo này. Do bị báo giới “thắc mắc”, khoản thưởng này bị hủy, nhưng người trong cuộc cho biết: Ni là một trong những cán bộ lãnh đạo quyết định thưởng lớn ấy.

“Quan trơ tráo” báo cáo láo

Theo một cựu cán bộ nói với tờ Thời báo hoàn cầu, Ni là một quan chức gây tranh cãi và nổi tiếng là quan hệ hữu hảo với các chủ mỏ, chủ thầu mua bán đất đai. Người này nói để kích cầu kinh tế địa phương, Ni đứng đầu nhiều dự án phát triển nhà đất, hậu quả thấy rõ là tình trạng giải tỏa-di dời ồ ạt ở Lu’an: “Nhiều người dân bất mãn, nhưng chẳng ai dám phủ nhận nền kinh tế phát triển nhanh nhờ mảng khai thác mỏ và các dự án bất động sản”.

Chuyên gia chống tham nhũng Jiang Ming'an nói với báo trên, rằng điểm chung của các cán bộ “biến chất” là cấu kết bè cánh với các doanh nhân dưới nhiều hình thức, do tình trạng thiếu giám sát các dự án lớn: “Điều tra một cán bộ cấp tỉnh phản ánh quyết tâm chống tham nhũng mà không kiêng nể khoan dung, nhưng cũng cần xây dựng một hệ thống hiệu quả để ngăn chặn vấn đề thông đồng này”.

Jiang còn nói: “Chúng tôi đều biết Ni là một tên trơ tráo” để nhắc một vụ việc hồi năm 1998, trước khi Thủ tướng TQ lúc ấy là ông Chu Dung Cơ thăm huyện Nanling thuộc thành phố Lu’an, nơi kho lúa dự trữ rỗng không. Để “nhiệt liệt chào mừng đồng chí Thủ tướng về thăm và làm việc”, các quan địa phương gồm Ni cho chở gạo từ các huyện khác về để “dàn dựng” hình ảnh “thóc lúa đầy bồ”. Kênh truyền hình trung ương của TQ đưa tin sau chuyến thăm, ông Chu Dung Cơ biết ông bị lừa, nhưng các cán bộ gồm Ni vẫn tại chức, thậm chí sau này được lên “ghế” cao hơn.

Từ bỏ thẻ VIP

Cuộc điều tra Ni được công bố vào thời điểm giới truyền thông nhà nước thường xuyên đưa “tin nóng” những cuộc truy quét tham nhũng, gồm việc triển khai 10 đoàn thanh tra đến các tỉnh thành và các cơ quan-đoàn thể. Họ có nhiệm vụ kiểm tra các lãnh đạo cấp cao, đã “đến làm việc” 5 tỉnh, 5 cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức nhà nước, gồm Bộ Nguồn nước, Tập đoàn Dự trữ lúa gạo TQ và Ngân hàng Xuất-nhập khẩu TQ.

DCCI cũng yêu cầu các đảng viên trong cơ quan vứt bỏ các thẻ VIP, do các doanh nhân tặng để được hưởng các dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá, ví dụ khi các cán bộ “thư giãn” ở các tiệm mát-xa, quà tặng ở siêu thị, bàn hạng sang ở nhà hàng. Các thẻ VIP này mở ra vô số cơ hội lạm quyền của các cán bộ “biến chất”.

DCCI nói: “Dù thẻ hội viên nhỏ, nhưng chúng lại phản ánh những vấn nạn lớn về phong cách làm việc”, và yêu cầu các đảng viên ở các cơ quan kỷ luật, giám sát bỏ hết thẻ VIP của họ từ ngày 20.6 tới. Tân Hoa xã nêu họ phải “triệt để tuân thủ chỉ đạo” này, nhằm làm gương cho các đảng viên khác. DCCI nói việc này dễ làm nhưng các đảng viên phải thực hiện nghiêm túc: “Người trọng danh dự cần chứng tỏ mình đúng là người của danh dự”.

Nhật báo Thanh tra viết bài bình luận ca ngợi quyết tâm chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tham nhũng là khối u ác tính của xã hội, nếu tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng hơn, chắc chắn nó sẽ dẫn đến sự giãy chết của đảng và dân tộc”.

Chủ tịch Tập Cận Bình từ lúc làm Tổng bí thư CPC hồi tháng 11.2012 đã xem chuyện chống tham nhũng là mối bận tâm hàng đầu, và ông cảnh báo tình trạng tham nhũng nghiêm trọng có thể đe dọa sự tồn vong của CPC. Chủ đề chính của cuộc đấu tranh này là cán bộ sống tiết kiệm đã khiến các nhà hàng hạng sang “ế” khách quyền cao chức trọng, thức ăn và đồ nhậu đắt tiền cũng bị ế theo. Ông Tập cũng cấm cán bộ “nuôi” bồ nhí ở các căn hộ hạng sang vì đó là “quan hệ bất chính” tức vi phạm kỷ luật đảng.

Lòng tham của “bồ nhí”

Ni là cán bộ lãnh đạo cấp cao mới nhất bị điều tra. Vài tuần trước đó, chính quyền nói một cuộc điều tra cũng mở ra với Liu Tienan, một “quan to quyền” của mảng quy hoạch kinh tế đã bị cách chức, sau khi một “phòng nhì” kể cho một nhà báo nổi tiếng chống tham nhũng biết: Liu giúp các ngân hàng gian lận khoảng 200 triệu USD. Hồi tháng 12.2012, một Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên cũng bị cách chức sau khi báo giới đưa tin ông ta bị nghi dùng tầm ảnh hưởng để tác động vào các vụ mua bán nhà đất đáng ngờ.

Nhưng báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của CPC - đã đặt dấu hỏi về động cơ tố cáo của “bồ nhí” của Liu và nêu: TQ không thể dựa vào những người này để chống tham nhũng. Bài báo bình luận: “Dù có những lúc, vì nhiều lý do, các cô bồ giận các quan tham nên tố cáo họ, nhưng gốc rễ vấn đề thì động cơ của họ chỉ là một: thỏa mãn lòng tham của mỗi người. Một số trực tiếp đòi hối lộ hoặc tìm kiếm những lợi ích phi pháp lớn. Hy vọng chống hối lộ nơi những người ấy là cách đẩy quỷ tấn công quỷ. Đó không phải là hướng đi chính đáng cho ý chí của nhân dân”.

Báo này còn lưu ý một vụ khác, trong đó một cuốn băng video quay cảnh làm tình của bí thư quận ủy Lei Zhengfu với cô bồ 24 tuổi Zhao Hongxia. “Quan” này cùng nhiều quan khác ở Trùng Khánh bị cách chức, nhưng Zhao cũng bị buộc tội “tống tiền” do tham gia một đường dây tội phạm tống tiền cán bộ bằng cách bí mật quay lén các trò thỏa mãn tình dục của các “quan”. Zhao còn bị nhiều người lên án về hành vi “phi đạo đức” dù có người khác “cầm tay chỉ việc” cô làm Lei “bay chức”.

Dù vậy, các cư dân mạng xã hội Sina Weibo gọi đùa các cô “bồ nhí” là những “vị anh thư dám chống tham nhũng”. Các chuyên gia nói: khi nào CPC chưa quyết tâm đổi mới nhằm bảo vệ quyền lực (ví dụ buộc cán bộ đảng viên công bố tài sản hoặc cho phép lập cơ quan chống tham nhũng hoàn toàn độc lập) thì chiến dịch chống tham nhũng xem ra chỉ “xử lý bề nổi” các triệu chứng của bệnh tham nhũng. Biên tập viên Hu Shuli của báo Tài chính rất có uy tín ở TQ đã có bài bình luận, rằng “làn sóng tiêu cực trong vài năm gần đây cho thấy các biện pháp phòng chống chỉ có hiệu quả hạn chế. Thật ra, câu trả lời không phải là một sự bí mật sâu sắc, mà phải là hướng tới những cải tổ tổng thể gồm cải tổ chính trị và tạo điều kiện cho một nền pháp luật rạng rỡ như ánh dương”.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem