Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Thứ năm, ngày 08/12/2022 06:23 AM (GMT+7)
Câu chuyện ngắn của hai chị Hà Thị Lý, Hà Thị Nghiệm ở khu Lấp, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn bất chợt thu hút sự chú ý của chúng tôi trong chuyến thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Nhanh chóng, chúng tôi theo chân hai chị băng rừng, lội suối để tìm hiểu và trải nghiệm về cách câu cua đêm.
Bình luận 0

-Ái ơi ti câu cua chợ (Chị ơi đi câu cua đi)/ -Oi men mới ti (Tý nữa mình đi)/ -La thuộc pắt hái (Làm thuốc vắt nhé)… Câu chuyện ngắn của hai chị Hà Thị Lý, Hà Thị Nghiệm và chồng chị Lý là anh Hà Văn Sơn ở khu Lấp, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn bất chợt thu hút sự chú ý của chúng tôi trong chuyến thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Nhanh chóng, chúng tôi theo chân hai chị băng rừng, lội suối để tìm hiểu và trải nghiệm về cách câu cua đêm.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 1.

Chị Hà Thị Lý chuẩn bị cần câu cua.

Lên rừng câu con cua đá

Ở bản Lấp, chị Lý nổi tiếng là “bà la sát” với con cua đá. Mọi người bảo, chỉ cần chị lên rừng 2 – 3 tiếng là về đã có khoảng đôi cân cua treo bên người. Trước kia, thi thoảng chị mới lên rừng bắt cua để cải thiện bữa ăn trong gia đình nhưng nay khu Lấp phát triển, trong khu có nhiều homestay được đầu tư xây dựng, khách du lịch đến nhiều nên chị đi bắt cua thường xuyên hơn, vừa để phục vụ các nhà hàng vừa cho du khách mua về làm quà. Giá bán cua đá hiện khoảng 200 nghìn đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu do người đi bắt cua trong khu không nhiều.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 2.

Mồi câu cua thường là sách bò hoặc giun đất, được buộc chặt bằng dây thép ở đầu cần câu.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 3.

Dụ cua ra khỏi hang.

Chị Lý bảo: Cua đá ăn thơm, ngọt, lạ miệng nên bán được giá cao. Nhưng hôm nay bắt được cua thì để nhà ăn thôi, không bán đâu, mừng thằng Tinh (Hà Kim Tinh – con trai cả chị Lý - PV) sắp được về thành phố học. Năm vừa rồi cháu thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được 30 điểm, không chỉ đủ điểm đỗ mà còn thừa hai điểm ưu tiên. Việc đi học gia đình không phải lo lắng nữa rồi…

Vừa nói, chị vừa thoăn thoắt đưa cho chúng tôi tất, ủng, bộ quần áo lao động, đèn soi và dặn: Anh em nhớ bịt bọc kỹ, tháng 7 ngâu, trời mưa nhiều, trong rừng lúc nào cũng ẩm ướt, nhiều vắt lắm, phải đeo tất loại dầy, ủng, bịt kín từ đầu đến chân để tránh vắt chui vào người. Vì là rừng nguyên sinh nên đường đi rậm rạp, không chỉ tránh vắt mà còn đề phòng rắn, rết nữa…

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 4.

Cua đá có nhiều loại, màu sắc, kích cỡ của con cua phụ thuộc nhiều bởi môi trường sinh sống.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 5.

Đúng 8h tối, sau khi chuẩn bị hành trang, đồ nghề, chúng tôi được hai chị Hà Thị Lý, Hà Thị Nghiệm đưa đến một lối nhỏ nằm khuất dưới tán lá cây, dần dần đi sâu vào trong rừng, men theo khe suối leo ngược lên đỉnh Quyền (núi Quyền - thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn) để tìm cua…

Mùa câu cua đá ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Người dân thường câu vào ban đêm do ban ngày cua trốn trong hang ngủ nên rất khó bắt, đi ban đêm thường sẽ được nhiều hơn. Trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, cua có nhiều ở các khe suối hoặc nơi nước xăm xắp nhưng được câu nhiều nhất ở đồi Tô, các đồi Mông Chó, Mông Xiêm, núi Quyền… Gọi là câu cua vì dụng cụ để bắt cua là những cành cây nhỏ, nhẵn, dài khoảng 1m, một đầu buộc dây thép uốn cong và mồi (thường là sách bò hoặc giun đất) trông giống như chiếc cần câu. Khi đến những hang nước, khe đá, người câu sẽ đưa cần và mồi đến trước cửa hang, chờ cua quặp chặt vào mồi thì bắt và cho vào túi cước đã chuẩn bị sẵn.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 6.

Sau khi cua quặp chặt vào mồi thì bắt và cho vào túi cước đã chuẩn bị sẵn.

Cua đá có nhiều loại: Màu đen, hơi hồng, đỏ tía hoặc màu vàng. Màu sắc, kích cỡ của con cua phụ thuộc nhiều bởi môi trường sống. Đặc biệt, do sống trong môi trường tự nhiên nên cua đá vỏ cứng nhưng ngọt và nhiều thịt, dùng hấp gừng sả hay xay, lọc nấu canh đều rất ngon. Vì vậy nên khi đến với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nhiều người yêu thích lựa chọn món cua đá để thưởng thức. Còn đối với chúng tôi, không chỉ có không khí trong lành, những món ăn lạ miệng, câu cua đêm cũng là một trải nghiệm rất thú vị khi đến với nơi đây.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 7.

Trong quá trình đi câu cua, nếu may mắn có thể bắt được ếch rừng, hoặc châu chấu rừng, chôm chôm rừng.

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 8.

Bảo tồn và phát huy

Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích trên 15.000ha, nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, bao trọn xã Xuân Sơn và một phần các xã Đồng Sơn, Tân Sơn, Lai Đồng, Kim Thượng, Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Vườn thuộc một trong ba vùng đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam, đã xác định được 180 họ, 680 chi, 1.217 loài, trong đó có 40 loài đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, Vườn hiện có quần thể cây di sản gồm hơn 20 cây nghiến có đường kính từ 1,5 – 3m và nhiều loại động vật hoang dã đang sinh trưởng, phát triển mạnh như sơn dương, gấu…

Ông Phạm Văn Long – Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: Vườn có nhiều tài nguyên quý, người dân sống trong khu vực cũng luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Bà con chỉ thi thoảng vào rừng bắt cua đá – con thiết giáp không thuộc danh mục cấm hoặc châu chấu rừng – loài thiên địch có hại cho cây…

Theo chân "bà la sát" băng rừng, lội suối câu cua đá đêm ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 9.

Châu chấu rừng sau khi chế biến cũng là món ăn ngon được nhiều người yêu thích.

Để người dân hiểu rõ về giá trị tài nguyên rừng, cán bộ Vườn Quốc gia cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân trong khu vực, chủ hộ hoạt động du lịch cộng đồng, các cộng tác viên, chủ hộ đang ở gần rừng hoặc có lán trại trên đất rừng về công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn đầu tư công tác bảo tồn, xây dựng các tuyến đường tuần tra, đường giao thông liên xóm. Mỗi năm hỗ trợ 40 triệu đồng cho các xóm vùng đệm phát triển kinh tế, từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ Vườn và người dân sống trong khu vực, giúp việc trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh nhạy, kịp thời.

Được sự quan tâm, hỗ trợ, đời sống của người dân sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia cũng ngày càng khấm khá. Bà con coi rừng là nhà, chú trọng phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, tập trung phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ, chủ yếu là du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, tham quan hệ sinh thái hang động, hệ động - thực vật tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn có khoảng gần 4.000 lượt khách đến thăm quan, trong đó khách lưu trú qua đêm là hơn 600 lượt. Hiện nay xã Xuân Sơn có 11 homestay đã đi vào hoạt động với 45 phòng khép kín và 12 phòng cộng đồng, có khả năng phục vụ được khoảng gần 700 lượt khách qua đêm ăn ngủ nghỉ.

Đồng chí Hà Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Bà con trong xã chủ yếu là người Mường, người Dao lại sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn nên đời sống còn nhiều khó khăn. Để nâng cao năng lực phục vụ của các hộ gia đình theo hướng du lịch cộng đồng; xã đã triển khai chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm xanh, sạch; cải tạo bãi tắm khu Cỏi và đường đi bộ để phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Một số hộ dân đã đem cua đá, rau bò khai về nuôi, trồng tại gia đình để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ nhưng chỉ có rau bò khai sinh trưởng, phát triển tốt, còn cua đá do bản tính hay cắn, quặp lẫn nhau nên không phù hợp với điều kiện nuôi nhốt. Sắp tới, xã Xuân Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về các sản phẩm của địa phương, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, qua đó kêu gọi đầu tư để nhân rộng mô hình homestay và nhiều mô hình khác trên địa bàn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.


Vĩnh Hà – Ngọc Lam (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem