Cụ thể theo Giấy phép nhấn chìm (số 372/GP-BTNMT, ngày 21.2.2019), do ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký, nêu rõ: Cho phép công ty Cổ phần thép Hòa Phát (gọi tắt là thép Hoà Phát) Dung Quất được nhấn chìm 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét tại khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng-Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất xuống địa điểm khu vực biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.
Một góc cảng chuyên dùng của dự án “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất”.
Khu vực biển được phép nhấn chìm có diện tích 180 ha, phương tiện vận chuyển và cách thức nhấn chìm được sử dụng là tàu hút bụng xả đáy tự hành loại từ 7000-35.000m3/chiếc, với số lượng 3 chuyến/ngày. Thành phần vật chất nhấn chìm gồm cát biển chiếm khoảng 86,4%, bùn sét 13,6%. Chất được phép nhấn chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thời gian được phép nhấn chìm từ ngày 1.3.2019-31.5.2020.
Tàu hút bụng xả đáy tự hành, phương tiện vận chuyển nhấn chìm 15,39 triệu m3 vật chất.
Được biết để thi công xây dựng hạng mục cảng chuyên dùng cho tàu vận có tải trọng 200.000 DWT ra vào cảng khi dự án “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất” hoàn thành, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất phải tiến hành nạo vét khu vực biển tại đây. Theo đó, tổng lượng vật chất trong quá trình nạo vét dư thừa, cần xử lý khoảng 15 triệu m3, gồm cát, tạp chất nạo vét ở lòng biển tại khu vực xây dựng cảng chuyên dùng. Ông Đinh Văn Trung – Phó Giám đốc Cty thép Hòa Phát Dung Quất giải thích: "Nói một cách dễ hiểu hơn, vật chất xin nhấn chìm là cát, tạp chất ở khu vực biển gần bờ, được đưa ra đổ ở vùng biển xa bờ hơn. Không có m3 vật chất nào dư thừa ở trên bờ được đưa ra để nhấn chìm xuống biển”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.