Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua cách nhìn của bạn bè và giới nghiên cứu

Thúy Phương - Thanh Tùng Thứ bảy, ngày 22/10/2022 15:48 PM (GMT+7)
Sáng ngày 22/10, tại Hà Nội, ê-kíp Se sẽ chứ đã tổ chức tọa đàm văn chương với tên gọi "Xuân Quỳnh – một cách nhìn khác". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi kỉ niệm 80 năm ngày sinh của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Bình luận 0

Thơ Xuân Quỳnh – độc lập và cô đơn

Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua một cách nhìn khác - Ảnh 1.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Lưu Khánh Thơ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Dân Việt

Trong không gian ấm cúng và gần gũi của Bảo tàng Văn học, độc giả và những nhà phê bình văn học đã có dịp ngồi lại để cùng nhau luận bàn, tìm hiểu về  cuộc đời và di sản thi ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đây là sự kiện được ê-kíp Se sẽ chứ tổ chức. Năm nay, chuỗi sự kiện có phần đặc biệt hơn với dấu mốc 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh.

Những tên tuổi gạo cội của nền văn học nước nhà như: Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ Nguyễn Thuý Hạnh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Lưu Khánh Thơ, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân… đều đã có mặt tại buổi tọa đàm. Sự kiện được thực hiện bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã thu hút sự quan tâm lớn từ những người yêu văn thơ nói chung và độc giả hâm mộ Xuân Quỳnh nói riêng.

Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua một cách nhìn khác - Ảnh 2.

Người thân và khán giả yêu thơ Xuân Quỳnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: Dân Việt

Nhớ về cuộc đời của nữ sĩ tài hoa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã chia sẻ trong tham luận của mình rằng: "Tôi đã để tâm nhớ về và đọc lại những bài thơ tình được tinh tuyển của Xuân Quỳnh trong tập thơ vừa được Hội Nhà văn Việt Nam, cùng công ty Nhã Nam xuất bản: Xuân Quỳnh - Không bao giờ là cuối. Bất chợt, tôi nghĩ đến một phản đề: Thơ tình Xuân Quỳnh - Độc lập và cô đơn cùng cuối, nhằm thiết lập một bài viết, theo tinh thần mà tôi yêu mến và đồng thuận của chính cuộc tọa đàm này: Xin hãy đọc thơ Xuân Quỳnh bằng cái nhìn mới và khác...

Nhớ lần cuối, tôi gặp Xuân Quỳnh vào mùa đông 1987, ở Matxcova (thủ đô nước Nga), lúc ấy là Liên Xô (Xuân Quỳnh cùng đoàn nhà văn Việt Nam sang theo học mấy tháng cuối năm 1987, tại trường ĐH Văn học, mang tên M.Gorki). Do không hẹn giờ gặp trước, tôi với Quỳnh đã ngẫu nhiên đi bộ ngược chiều nhau, trên hai vỉa hè một đường phố lớn.

Giọng đọc của nhà thơ Xuân Quỳnh được phát trong buổi tọa đàm. Nguồn: Dân Việt

Hoa tuyết mùa đông nước Nga, lạnh âm 25 độ, đang bay bời bời xiên chéo không gian âm u lúc xẩm tối. Quỳnh không thấy tôi, nhưng tôi thấy chị bên kia đường, dáng đi xiêu xiêu, vội vã thường quen mà tôi đã gặp từ hồi còn là biên tập viên NXB Văn học ở Hà Nội, suốt 2 năm, từ 1973 đến 1975. Tôi thi thoảng nhìn qua cửa sổ phòng biên tập, có cây hoa ngọc lan xòa bóng, thấy Quỳnh thường một mình đi lấy cơm ở bếp ăn của Hội LHVHNT, phía sân sau NXB Văn Học.

Tôi quen Quỳnh ở nhà thi sĩ Chế Lan Viên, bạn thơ đàn anh của chị Quỳnh. Và tôi giữ được tình chị em, bằng hữu, từ đó cho đến khi cùng Lưu Quang Vũ làm "ký giả kịch trường" cho Tạp chí Sân khấu; từ năm 1977, cho đến tận lúc... đi ngược chiều năm 1987, trước tháng 8 năm 1988, khi chị Quỳnh mất, cùng chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ – trong một tai nạn giao thông hy hữu.

Nhìn Quỳnh đi cô độc bên kia đường, dáng vẻ vội vã, trí nhớ tôi bất chợt quay về hình ảnh xa xăm của chính Quỳnh ở Hà Nội, trong những câu thơ chênh chao tâm trạng tìm kiếm và săn đuổi - thứ mà cả đời Quỳnh khao khát như người đi săn mải miết tìm kiếm con mồi, tình yêu và hạnh phúc".

Sau thành công lớn với Đêm thơ – nhạc – kịch Hoa cúc xanh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tiếp tục là người khởi xướng cho buổi tọa đàm văn học Xuân Quỳnh – một cách nhìn khác. Chia sẻ với Dân Việt, nữ đạo diễn cho biết: "Đêm thơ – nhạc – kịch Hoa cúc xanh là một lời đặt hàng từ báo Dân Việt và gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh. Hoa cúc xanh là nơi sâu lắng, các vở kịch cùng nhiều tiết mục âm nhạc, biểu diễn được tạo dựng bởi những nghệ sĩ hết sức chuyên nghiệp cùng vốn đầu tư rất lớn và sẽ rất lâu nữa mới được thực hiện lại.

Tuy nhiên, ở Se sẽ chứ, khán giả sẽ thấy được đây là một lễ hội thi ca dành cho cộng đồng và nó cần phải được diễn ra hàng năm với một quy mô có thể lớn hơn. Tuy nhiên, công chúng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn vì đây là sự kiện mở cửa cho tất cả mọi người và sẽ không có một rào cản liên quan đến vé hoặc là thu nhập. 

Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua một cách nhìn khác - Ảnh 4.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: Dân Việt

Thông quan buổi tọa đàm lần này, chúng tôi kỳ vọng có thể tạo nên một diễn ngôn mới trong cách đọc, cách nhìn về di sản thi ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Khác với mọi năm, chúng tôi cũng đã lựa chọn một địa điểm rộng hơn để đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả và những người yêu thơ.

Thông qua tọa đàm lần này, chúng tôi muốn truyền tải về mặt bản chất, cách đọc và cách hiểu của diễn ngôn truyền thống đối với chị Xuân Quỳnh. Với cách đọc lại và cách đọc khác mà tọa đàn mang tới sự phá vỡ những khuôn mẫu cũng như những định kiến về giới. Điều này không chỉ có ích trong trường hợp của thơ Xuân Quỳnh mà nó sẽ có ích cho những người đọc cũng như những nhà nghiên cứu trong việc nhìn vào di sản của tất cả các nhà văn, nhà thơ mà không phải phân biệt là nhà thơ nhà văn nam hay nữ".

Thơ ca Xuân Quỳnh không chỉ là tình yêu đôi lứa

Tham dự tọa đàm, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đã trình bày bài tham luận: Xuân Quỳnh và Marina Tsvetaeva: nữ tính là dám thành thật sống với cảm xúc của chính mình. Bên lề buổi tọa đàm, Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã chia sẻ với Dân Việt: "Chúng ta đều biết Lưu Quang Vũ nổi tiếng là nhà viết kịch. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá cao hơn về thơ của Lưu Quang Vũ. Còn về Xuân Quỳnh thì tôi cho rằng, ngoài những điều người ta đã nói về thơ Xuân Quỳnh thì độc giả hay quan niệm về nữ tính và có phần khuôn mẫu một chút về nữ quyền". 

Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua một cách nhìn khác - Ảnh 5.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân mặc chiếc áo dài có các bài thơ Xuân Quỳnh bà yêu thích tại tọa đàm. Ảnh: Dân Việt

Chia sẻ về tác phẩm để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất, Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho biết, chị thích nhất bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Lý do là bởi đó là một bài thơ mà ngoài tình cảm, tình yêu gắn bó cùng với những khắc khoải, hy vọng, mong ngóng còn mang một nét rất đặc thù cho những mùa thu. Và thêm điều tình cờ nữa là bởi thi sĩ Xuân Quỳnh cũng sinh vào mùa thu. Điều đó giống như là một sự tin cảm, một lời nhắn gửi của Xuân Quỳnh không phải chỉ khi bà còn đang sống và cả cho sau này nữa. 

Đại diện gia đình tham dự buổi tọa đàm văn học, anh Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ: "Hôm nay, cảm xúc đầu tiên là tôi rất là mừng vì những giá trị thơ văn và những giá trị nhân văn mà mẹ tôi đã tạo ra bây giờ vẫn được trân trọng. 

Có thể nói những điều này vẫn có giá trị cho những thế hệ sau này và mọi người vẫn quan tâm. Tôi cũng thích tinh thần của buổi hội thảo hôm nay là muốn đưa ra những góc nhìn mới về cách tiếp nhận thơ của tác giả Xuân Quỳnh. Có lẽ là phần lớn độc giả khi hiểu về mẹ tôi thì đều nhìn nhận đó là một nhà thơ nữ chuyên về thơ tình, về tình cảm đôi lứa. 

Thi ca Xuân Quỳnh đầy mới mẻ qua một cách nhìn khác - Ảnh 6.

Anh Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh xúc động trong buổi tọa đàm. Ảnh: Viết Niệm

Đây có thể là góc nhìn không sai nhưng chưa thực sự đầy đủ. Bởi lẽ, mẹ tôi đâu chỉ có viết gia đình tôi, mẹ còn viết thơ về thế sự, về những điều lớn lao khác. Đã có rất nhiều bài thơ như vậy về đất nước, về những phương diện khác, cuộc sống thiên nhiên, cây cỏ và cuộc đời... Cuộc đời luôn có những nỗi cô đơn, nhưng đến cuối cùng mẹ tôi là một người rất lạc quan là người tạo ra nguồn vui trong gia đình và cho rất nhiều độc giả yêu thơ Xuân Quỳnh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem