Thi công mở rộng Quốc lộ 1A - Cuộc sống đảo lộn, tai nạn liên tục: Phạt, nhắc nhở và... tiếp tục chấn chỉnh!

An Sơn - Hữu Anh Thứ tư, ngày 20/08/2014 16:55 PM (GMT+7)
Cuối tháng 7.2014, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có quyết định xử phạt hàng chục nhà thầu thi công tại dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 vì để xảy ra tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn giao thông... 
Bình luận 0

Xử phạt nhiều nhà thầu

Trước đó, Bộ GTVT đã có quyết định cảnh cáo và nhắc nhở hàng loạt ban quản lý, nhà thầu thi công tại dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá-Nghệ An do vi phạm, để xảy ra tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Sau sự nhắc nhở nhưng các ban quản lý, nhà thầu không thay đổi, Tổng cục Đường bộ đã phải ra tay xử phạt. Theo đó, đối với 10 nhà thầu vi phạm nhưng không kịp thời khắc phục về công tác đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ đang khai thác, không bố trí đèn báo hiệu ban đêm, thiếu cọc tiêu, biển báo, dây phản quang, rào chắn... bị phạt số tiền 25 triệu đồng/đơn vị. Trong số này có Công ty Xây dựng Vạn Cường; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh; Công ty cổ phần Phương Thành, Công ty cổ phần Việt Ren, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung; Công ty 475; Công ty 471 thuộc Cienco 4…

Ông Lê Ngọc Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, liên quan đến các nhà thầu thi công trong việc không kịp thời xin giấy phép hoặc thỏa thuận thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ khi giấy phép hoặc thỏa thuận thi công hết hạn, Tổng cục Đường bộ cũng ra quyết định xử phạt 8 triệu đồng đối với 2 liên danh.

Tiếp tục… chấn chỉnh!

Ngày 14.8, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các chủ đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế chấn chỉnh ngay việc thi công làm khổ người dân. Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư tập trung nhân lực máy móc để thi công dứt điểm các vị trí đào hào, đảm bảo việc đi lại của dân cư hai bên đường được thuận lợi. Nghiêm cấm việc thi công đào nền đường mở rộng đồng thời cả hai bên tuyến gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. Đối với các đoạn đã đào cả hai bên đường, phải khẩn trương thi công nền móng đạt độ cao như nền đường cũ. Các nhà thầu phải bố trí thêm biển báo, đèn báo hiệu, chiếu sáng vào ban đêm...

Tưởng rằng sau những động thái mạnh tay của Bộ GTVT, các ban quản lý, nhà thầu sẽ sợ mà chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm tồn tại của mình để việc thi công an toàn hơn, thuận lợi cho người tham gia giao thông và người dân sống 2 bên đường… Tuy nhiên, thực trạng vi phạm vẫn xảy ra ở nhiều công trường, như NTNN số 198/2014 đã phản ánh.

Trao đổi với phóng viên NTNN, Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế Lê Công Diễn cho biết: Phản ảnh của người dân về việc thi công mở rộng QL1 gây bụi, lối vào nhà dân bị bịt, kinh doanh ế ẩm và gây tai nạn giao thông là đúng. Thực ra dân họ sống cực quá nên họ phản ánh. Các cơ quan liên quan đã cố gắng làm hết sức nhưng không thể không gây bụi được. Muốn thảm đạt chất lượng thì phải thổi toàn bộ bụi trên mặt đi, mà máy thổi ấy thì không cách chi không gây bụi được. Những đoạn còn lâu mới thảm thì tôi sẽ chỉ đạo tưới nước để đỡ bụi.

“Bộ GTVT yêu cầu thi công bên nào phải làm xong bên ấy, không được đào tràn lan cả hai bên đường, nhưng nếu làm như thế thì tiến độ sẽ rất chậm. Mặt khác, do hạ tầng 2 bên đường nó liên quan với nhau nên phải đào cùng lúc để viễn thông, bưu điện… họ dời có hệ thống. Hệ thống biển báo tại những đoạn đường thi công thì chúng tôi đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện. Cái này Sở GTVT đã cùng Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý đường bộ II lập đội liên ngành đi hiện trường kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần rồi và sẽ tiếp tục chấn chỉnh” - ông Diễn cho biết.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Hà Tĩnh với tổng chiều dài 110,87km đi qua 6 huyện, thị xã, ảnh hưởng tới 40 xã, thị trấn với gần 6.000 hộ dân. Đến thời điểm này việc giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành và bàn giao cho đơn vị thi công. Vấn đề đang nổi lên là việc khiếu nại của một số hộ dân ở thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên). Mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế về đất đai, song nhiều hộ dân vẫn không thể nhận tiền đền bù. Điều trớ trêu hơn, nếu muốn nhận tiền đền bù thì những hộ dân nói trên phải trích lại 20-50% giá trị đền bù cho người trước đây đã bán đất cho họ...

 Đại  diện  lãnh đạo Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cũng  cho biết đã yêu cầu trước mùa mưa tất cả các vị trí phải được đắp lên bằng mặt đường cũ và ít nhất thảm được 1 lớp để chống bụi và chống xói mòn. Về việc thi công mở rộng QL 1 làm nứt nhà dân ở huyện Phong Điền, bên bảo hiểm đang thuê đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định lại và chi trả tiền hỗ trợ cho dân.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem