Thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội: Thầy giáo "mách" nội dung ôn đạt điểm cao

Tào Nga Thứ tư, ngày 15/02/2023 09:07 AM (GMT+7)
Thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội làm sao để đạt điểm cao nhất? Thầy Trần Văn Dũng, giáo viên dạy Toán ở TP.HCM đã có những tư vấn rất ý nghĩa với học sinh trong giai đoạn nước rút này.
Bình luận 0

Cách ôn thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo thầy Trần Văn Dũng, bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, sử dụng bài thi như một phương án tuyển sinh đại học. Bài thi tích hợp các kiến thức về tư duy định lượng, tư duy định tính và khoa học tự nhiên xã hội. Cụ thể, bài thi mô tả kiến thức các môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 150 câu, thời gian làm bài 195 phút, dưới hình thức đa số là trắc nghiệm và một số câu hỏi dạng thức điền đáp án. Trường hợp bài thi có thêm câu hỏi thực nghiệm thì số câu hỏi không vượt quá 155 câu.

Thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội: Thầy giáo "mách" nội dung ôn đạt điểm cao - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Phần 1: Tư duy định lượng - Lĩnh vực: Toán học (50 câu - 75 phút)

Các câu hỏi tập trung về 7 chương học của chương trình lớp 12 (Hàm số - Loga – Tích phân – Số phức – HHKG – Nón trụ cầu – Oxyz) tương đương mức độ 7 - 9 điểm trong bài thi Toán tốt nghiệp THPT, phần xác suất thống kê (lớp 11) và các bài toán thực tế. Các câu trong đề thi không sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó mà sẽ được trộn ngẫu nhiên. Do ngân hàng câu hỏi rất nhiều mỗi đề khác nhau tùy từng lần thi sẽ có độ khó của đề khác nhau. 

Đề thi có rất ít câu ở mức vận dụng cao, tuy nhiên áp lực về thời gian và cách hỏi lạ sẽ khó có thể làm hết 50 câu trong 75 phút. Nhưng nếu ôn tập ký và biết các mẹo thì vẫn có khả năng đạt trên 40 điểm phần thi định lượng.

Các em nên mang theo hai máy tính để tiện cho việc làm bài, sử dụng các phương pháp giải nhanh, phương pháp thay ngược kết quả. Khi ôn tập cần xem xét phân bố thời gian làm bài thi để tránh bị áp lực thời gian khi đến kỳ thi chính thức.

Phần 2: Tư duy định tính - Lĩnh vực: Ngữ văn - Ngôn ngữ (50 câu - 60 phút)

Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích. Chủ yếu đọc hiểu văn học trong chương trình THPT lớp 10,11,12 (nội dung đoạn trích, các biện pháp tu từ nghệ thuật, phân tích chi tiết, lý thuyết câu từ, thao tác lập luận). 

Ngoài ra còn các tác phẩm nằm ngoài chương trình học, từ đồng nghĩa trái nghĩa, từ Hán Việt, sửa lỗi sai tư duy định tính là phần thi mới lạ nhưng không khó nếu nắm chắc các kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, học sinh sẽ dễ bị mắc lừa nếu không có sự chuẩn bị về mặt kiến thức và hiểu sai nội dung câu hỏi.

Phần 3: Khoa học - Lĩnh vực: Khoa học tự nhiên và xã hội (50 câu -60 phút)

Những môn trong tổ hợp thi THPT học sinh hãy học như bình thường và thật chắc chắn, như ôn thi THPT. Sau đó các em học đến tổ hợp còn lại, học những thứ cơ bản, nếu sắp xếp được thời gian thì học sâu hơn, nâng cao hơn là điều quá tốt. Hãy cố gắng đừng để mất gốc môn nào, trên lớp nên chú ý tập trung nghe thầy cô giảng.

Sinh học: Kiến thức đa phần ở mức nhận biết, thông hiểu. Phạm vi kiến thức lớp 11, 12 (Thực vật - Động vật - Cơ chế di truyền và biến dị - Ứng dụng di truyền - Tiến hóa - Sinh thái - Di truyền phả hệ,...). Nắm chắc các kiến thức cơ bản các em sẽ dễ dàng ăn điểm.

Lịch sử: Bao gồm các phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Các kiến thức không phải hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa. Phần này chủ yếu nằm trong chương trình lớp 11, 12. Học sinh nên đọc lại toàn bộ sách giáo khoa, ghi chú lại những sự kiện đặc biệt, các giai đoạn lịch sử cần nhớ. 

Để tránh nhầm lẫn giữa thời gian diễn ra các sự kiện có thể viết các sự kiện diễn ra lên một trục thời gian để nắm được thứ tự sự kiện, gồm: Thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra và ý nghĩa lịch sử.

Địa lý: Bao gồm hai phần chính là địa lý tự nhiên và địa lý xã hội. Cần nắm chắc sách giáo khoa (các yếu tố về địa hình, kinh tế của các vùng lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm của nông nghiệp, công nghiệp và ngư nghiệp). Ngoài ra, cần có một số kỹ năng như khai thác Atlat, phân tích xác định biểu đồ, học theo từ khóa.

Vật lý: Nội dung kiến thức lớp 11, 12 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng (Cơ học - Điện học - Quang học - Từ trường - Hạt nhân nguyên tử - Lượng tử ánh sáng,...). Dạng câu hỏi như kỳ thi Tốt nghiệp THPT, có thể có một câu điền đáp án.

Hóa học: Kiến thức về Hóa học đại cương (các nguyên tố, cấu tạo nguyên tử), Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, nghiên cứu thực nghiệm thực tiễn.

img

Lịch thi đánh giá tư duy năm 2023. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất, mỗi đợt 15.000.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem