Cấu trúc, đề cương bài thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội: 3 cấp độ khó

Tào Nga Thứ năm, ngày 09/02/2023 10:53 AM (GMT+7)
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa công bố cấu trúc, đề cương chi tiết bài thi đánh giá năng lực năm 2023.
Bình luận 0

Cấu trúc, đề cương bài thi đánh giá năng lực năm 2023 có độ khó tăng dần

Theo chia sẻ từ ĐHQGHN, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá ba nhóm năng lực chính là: Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, lập luận, tư duy logic, tính toán, xử lý dữ liệu; và Năng lực tìm hiểu, khám phá và ứng dụng khoa học (Tự nhiên - Xã hội).

Cấu trúc, đề cương bài thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội: 3 cấp độ khó - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần thi:

Phần 1: Tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi – 75 phút).

Phần 2 : Tư duy định tính (Ngữ văn – Ngôn ngữ, 50 câu hỏi – 60 phút), Phần 3 - Khoa học (Tự nhiên - Xã hội, 50 câu hỏi – 60 phút).

Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.

Kiến thức trong phần 1 và 2, cụ thể như sau: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.

Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.

Đề cương chi tiết bài thi đánh giá năng lực như sau:

Cấu trúc, đề cương bài thi Đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội: 3 cấp độ khó - Ảnh 2.

Hình thức thi: Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn.

Phương pháp làm bài: Thí sinh thực hiện bài thi theo hướng dẫn làm bài của ĐHQGHN.

Đối với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn: Thí sinh lựa chọn một đáp án đúng duy nhất (A, B, C, D) cho mỗi câu hỏi.

Đối với các câu hỏi điền đáp án: Thí sinh điền đáp án tìm được vào ô trống có sẵn tương ứng của câu hỏi thi.

Phương pháp chấm điểm: Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định. Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời đúng của thí sinh.

Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm (các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm). Điểm của bài thi là tổng điểm của ba phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm.

Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học.

Năm 2023, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN được giao nhiệm vụ tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6. Đúng 9h ngày 6/2, hệ thống đăng ký thi đánh giá năng lực mở phục vụ 45.000 chỗ cho thí sinh đăng ký dự thi trong tháng 3 và 4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem