Thí điểm nhà ở giá rẻ cho công nhân: Sẽ có cơ chế mua trả góp

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 12/08/2017 15:26 PM (GMT+7)
Cả nước có hơn 2 triệu công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó, có khoảng hơn 10% là chưa có nhà ở phải đi thuê nhà trọ. Làm thế nào để có một căn nhà ở giá rẻ đang trở thành vấn đề bức thiết với công nhân lao động?
Bình luận 0

Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Cường (ảnh) – Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thưa ông, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt vừa có loạt bài về vấn đề bức thiết nhà ở cho công nhân. Ông có đánh giá gì về vấn đề nhà ở cho công nhân?

- Vấn đề thiếu nhà ở cho công nhận lao động là một thực tế được Tổng liên đoàn Lao động nhìn nhận từ lâu. Hiện chúng ta có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), trong đó có hơn 200 khu đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2 triệu công nhân. Tuy nhiên, cả nước còn khoảng hơn 10% công nhân chưa có nhà ở.

img

Căn phòng trọ của chị Tạ Thị Thủy (Bình Dương) chưa đầy 8m2.  Ảnh: T.L

Theo ông Cường, qua tính toán, mỗi căn hộ sẽ có giá từ hơn 100 đến 300 triệu đồng, giá khoảng 5 triệu đồng/m2. Ở những tầng trên cao giá có thể rẻ hơn, khoảng 3 triệu đồng/m2. Diện tích tối thiểu là 30m2 và tối đa là 60m2, gồm 1 hoặc 2 phòng ngủ, phòng khách, nhà vệ sinh, tất cả đều khép kín. 

Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đầu tư xây dựng thiết chế nhà ở của công đoàn ở các khu công nghiệp và đề án đã được Thủ tướng phê duyệt bằng Quyết định 655 ngày 12.5.2017 vừa qua.

Đề án đã phần nào giải quyết được nhu cầu thiết yếu và mong muốn chính đáng của công nhân lao động ở KCN, KCX về nhiều vấn đề như: Nơi mua sắm, hoạt động thể thao, văn hoá tinh thần, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế... và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Nếu giải quyết được thì đây sẽ là hành động thiết thực chăm lo đời sống cho công nhân viên lao động – trực tiếp làm ra của cải cho xã hội.

Vậy vấn đề nhà ở giá rẻ cho công nhân sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Nhà ở cho công nhân chính là một trong những thiết chế chính trong đề án. Hiện tại chúng tôi đã tích cực triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho 8 bộ, ngành có liên quan, trong đó có Tỉnh uỷ, UBND các địa phương phối hợp triển khai.

Chúng tôi cũng đã gửi văn bản để khảo sát nhu cầu của công nhân, khảo sát địa điểm đất. Trước đó, chúng tôi cũng đã làm việc với 3 địa phương là Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang.

Đây là 3 địa phương sẽ thí điểm làm nhà ở giá rẻ cho công nhân đầu tiên. Dự kiến, mỗi một khu chúng tôi sẽ xây các block nhà, căn hộ với nhiều diện tích. Tối thiểu là 30m2 và tối đa là 60m2, khép kín.

Theo đề xuất Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ đất không thu tiền, Tổng liên đoàn bỏ phần tiết kiệm kinh phí trong hệ thống, mỗi năm khoảng gần 700 tỷ đồng để làm thiết chế về cơ sở hạ tầng như: Cơ sở y tế, thể thao, nhà văn hoá, nhà trẻ, siêu thị...

Riêng về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân, chúng tôi cũng đã làm việc với Tổng Công ty xây dựng, Tổng Công ty Xi măng, Viglacera... những nơi cung ứng nhiều vật liệu xây dựng hỗ trợ giảm giá cho chương trình này.

Các căn hộ này sẽ được xây dựng, cố gắng giữ giá rẻ nhất, khoảng hơn 100 triệu đồng tới 300 triệu đồng/căn. Chúng tôi cũng đã tính đến việc thiết kế căn hộ, toà nhà điển hình. Sau đó mô hình này sẽ được nhân rộng nên không mất phí thiết kế nữa. Tất cả phải được tối giản, mục tiêu là để công nhân có được căn nhà rẻ nhất.

Hiện tại, dự án được triển khai ở 3 địa phương là Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Nguyên tắc thực hiện là nhu cầu của công nhân tới đâu thì xây tới đó. Mục tiêu là xây xong tới đâu công nhân vào ở tới đó chứ không thể để hoang như một số dự án ở Đà Nẵng, Đồng Nai như báo chí vừa nêu.

Quá trình triển khai có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, quỹ đất hạn chế nên giờ dành đất cho dự án thì phải thực hiện quy hoạch, đền bù... kinh phí rất lớn. Một số địa phương có nhu cầu, nhưng ngân sách khó khăn nên không có kinh phí để thu hồi đất dẫn tới chậm tiến độ. Ngoài ra, dự án cũng gặp nhiều khó khăn do phải tuân thủ trình tự trong quá trình xây dựng, rồi nhiều vấn đề khác.

Mặc dù là giá rẻ, nhưng nếu một lúc phải bỏ ra 200-300 triệu đồng mua nhà thì e rằng công nhân vẫn sẽ khó tiếp cận?

- Đúng vậy. Để hỗ trợ tích cực cho công nhân có thể tiếp cận với chương trình mua nhà giá rẻ, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với ngân hàng cho công nhân vay trả góp với lãi suất thấp. Kể cả với những căn hộ cho thuê chúng tôi cũng xin cơ chế vay ngân hàng, sau một thời gian chúng tôi thu tiền thuê sẽ hoàn vốn trả ngân hàng.

Theo tính toán, mỗi tháng công nhân trả từ 1,5-1,8 triệu đồng để thuê nhà, tính ra một năm cũng mất khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó chất lượng phòng trọ thấp, chật trội, nóng bức. Giờ đây, nếu công nhân có nhu cầu, họ có thể mua nhà trả góp.

Mỗi tháng chỉ cần bỏ ra từ 1,5-2 triệu đồng, sau 7-9 năm là có thể trả hết. Công nhân có thể sở hữu một căn nhà có sổ hồng. Không những vậy, căn hộ  giá rẻ này còn có khuôn viên rộng, có cây xanh, bệnh viện, nhà văn hoá, trung tâm thể thao...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem