19 nhà đầu tư vẫn “cược” với 59,5 triệu cổ phiếu TTF với giá 10.000 đồng/CP
Thị giá 7.000 đồng/CP, nhưng 19 nhà đầu tư vẫn “cược” với 59,5 triệu cổ phiếu TTF với giá 10.000 đồng/CP
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 25/06/2021 12:55 PM (GMT+7)
Ngay sau khi Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) công bố danh sách 19 nhà đầu tư tham gia mua gần 59,5 triệu cổ phiếu TTF với giá 10.000 đồng/CP, trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu gỗ Trường Thành đã tăng kịch trần, từ mức giá 7.220 đồng/CP lên mức giá 7.720 đồng/CP…
Gỗ Trường Thành vừa công bố danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2021.
Theo đó, có 19 đơn vị, cá nhân tham gia mua gần 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP. Trong đó, hầu hết là cá nhân với 18 người và 1 nhà đầu tư tổ chức duy nhất là Công ty CP Đầu tư phân phối Satico.
Các cổ phiếu phát hành trong đợt này là cổ phiếu ưu đãi (với mức cổ tức cố định là 12%/năm) có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào với tỷ lệ 1:1.
Ngay sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu TTF đã tăng kịch trần phiên giao dịch hôm nay, hiện giá cổ phiếu TTF đã tăng lên 7.720 đồng/CP.
Được biết, với 595 tỷ đồng thu về đợt này, có 160 tỷ sẽ được TTF dùng để trả nợ gốc và lãi cho DongABank, còn lại sẽ dành để đầu tư.
Song song, Công ty cũng phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh. Báo cáo với cổ đông, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.
Tựu chung, TTF dự kiến sẽ chào bán khoảng 100 triệu cổ phần mới, giá trị thu về 1.000 tỷ đồng với khoảng 600 tỷ hoán đổi nợ với VinGroup, 160 tỷ tất toán nợ quá hạn tại DongABank. Số tiền Công ty thu về để đầu tư vào khoảng 240 tỷ đồng.
Trên thị trường, TTF hiện đang giao dịch tại mức 7.220 đồng/cp, thấp hơn mệnh giá, đây cũng là lý do Công ty phải thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cách nay 1 năm, cổ phiếu TTF hồi phục khá mạnh (từ vùng giá 3.000 đồng/CP lên mức giá hiện tại), sau khi doanh nhân Mai Hữu Tín đổ tiền vào vực dậy doanh nghiệp này.
Trên vai trò thủ lĩnh, mới đây ông Tín cũng cho biết đã góp hơn 100 tỷ trước khi chào bán, do đó mong muốn cổ đông cũng ủng hộ.
"Tôi cam kết quý vị cổ phiếu TTF sẽ vượt 10.000 đồng/CP sớm thôi", vị này quả quyết tại đại hội cổ đông năm nay.
Kết thúc quý I/2021, TTF ghi nhận doanh thu đạt 312,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế là âm 39,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1,7 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 9,3% lên 11,5%.
Được biết, trong năm 2021, TTF đặt kế hoạch doanh thu 2.025,32 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 59,03 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm với mức lợi nhuận trước thuế là âm 39,2 tỷ đồng, TTF còn cách rất xa kế hoạch năm.
Ngoài ra, với mức lỗ trong quý I/2021 đã nâng mức lỗ lũy kế của TTF lên 3.083,8 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ là 3.111,98 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ lũy kế bằng 99,1% vốn điều lệ (vốn điều lệ chỉ còn cao hơn mức lỗ lũy là 28,18 tỷ đồng). Nếu như doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh đi xuống và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sẽ vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của TTF tăng 4,4% so với đầu năm lên 2.339 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho đạt 804,6 tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 416,8 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 357,6 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng tài sản; lợi thế thương mại đạt 177,7 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng tài sản.
Ngoài ra, tính tới cuối tháng 3/2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã là âm 624,1 tỷ đồng, tăng so với đầu năm (âm 584,9 tỷ đồng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.