Thi hoa hậu ở Việt Nam liệu đã hết thời khi cứ ra ngõ là gặp vương miện?

Bảo Bảo Thứ tư, ngày 07/08/2019 15:35 PM (GMT+7)
Vì tổ chức quá nhiều, chất lượng thí sinh không được kiểm soát... đã khiến cho các cuộc thi nhan sắc bị công chúng dần quay lưng.
Bình luận 0

img

Nhiều người cho rằng, các cuộc thi hoa hậu đang dần bị mất điểm trong lòng công chúng.

Thí sinh tham gia hoa hậu như... đi chợ

Trước đây, tại mỗi quốc gia hàng năm chỉ diễn ra vài cuộc thi nhan sắc uy tín nhằm chọn ra những đại diện xứng đáng để giành được tấm vé vàng tham gia các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ thế giới như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu siêu quốc gia… Nó khiến cho chủ nhân của các ngôi vị này trở nên cao quý và đắt giá.

Nhưng hiện nay, nhắc đến các cuộc thi người đẹp, khán giả tỏ ra không còn mấy hào hứng, thậm chí một số ít còn cảm giác thờ ơ, lãnh đạm. Bởi họ đã quá quen với các cuộc thi nhan sắc được tổ chức nhan nhản hoặc cũng đã nhàm với những danh xưng hoa hậu được xuất hiện khắp mọi nơi. Đến nỗi, có nhiều người giật mình thốt lên, giờ cứ ra ngõ là gặp… hoa hậu.

img

Mireia Lalaguna trở về sau khi giành được vương miện Hoa hậu Thế giới 2015.

Nếu như trước đây, các hoa hậu sẽ được tôn vinh nhiệt liệt, họ được xem là biểu trưng của nhan sắc và tài đức của phụ nữ quốc gia đó. Nhưng hiện nay, hoa hậu đơn giản chỉ là một danh xưng, sau khi đăng quang họ trở về cuộc sống đời thường, cơ hội nổi tiếng cũng không quá vượt trội so với những cô gái bình dân khác. Như hoa hậu Mireia Lalaguna người Tây Ban Nha là một ví dụ. Những tưởng sau khi cố gắng mang chiếc vương miện danh giá của Hoa hậu Thế giới 2015 về cho quê hương cô sẽ được tiếp đón, tiền hô hậu ủng nhưng sự thật thì ngược lại. Trở về từ Tam Á, Trung Quốc, Mireia Lalaguna xuất hiện một cách lặng lẽ, không cờ hoa chiêng trống khi bên cạnh chỉ có sự chào đón của gia đình của cô.

Việc thoái trào cuộc thi hoa hậu tại những quốc gia phát triển còn được minh chứng trong việc, các người đẹp đều có suy nghĩ đây đơn thuần chỉ là một cuộc thi không hơn không kém. Vì được giải hay không, họ vẫn sẽ trở về cuộc sống đời thường, hoạt động như những cô gái khác chứ không phải là "sao đổi ngôi" như cách nghĩ của nhiều người.

img

Nhan sắc của Hoa hậu Trái đất Nhật Bản 2015 từng khiến nhiều người thất vọng ra mặt về chất lượng thí sinh.

Hơn nữa, vì cơ chế “thoáng đãng” nên việc tổ chức ra một cuộc thi nhan sắc cũng dễ dàng hơn gấp nhiều lần. Và hấp dẫn từ việc “một bước lên tiên” khiến các người đẹp vô danh cũng muốn ghi tên mình vào cuộc đua giành chiếc vương miện lấp lánh kia. Tổ chức vô tội vạ, thiếu chọn lọc đã khiến ngày càng sản sinh ra nhiều cuộc thi với chất lượng kém, nhiều người còn tỏ ra hoảng hốt với nhan sắc của các “bông hoa” tham gia.

Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong việc khiến cho công chúng dần quay lưng với các cuộc thi hoa hậu và các cuộc thi nhan sắc đang dần rơi vào thoái trào.

img

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã quyết định bỏ phần thi bikini vì xem đây là cách tôn trọng phụ nữ.

Vài năm trở lại đây, rất nhiều người tỏ ra bi quan trước sự mất giá của các cuộc thi nhan sắc. Trừ một số quốc gia "cuồng hoa hậu" như Philippines, Venezuela, Colombia..., thì các cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp hiện nay chẳng còn được khán giả thế giới chú ý đến nhiều, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Cách đây không lâu, vấn đề tiếp tục hay bỏ bikini trong các cuộc thi nhan sắc từng gây ra nhiều cuộc tranh luận.  Khi Hoa hậu Mỹ quyết định bỏ phần thi mang tính “xôi thịt” này trong nội dung thi. Theo bà Gretchen Carlson, trưởng BTC cuộc thi cho rằng lý do mà Ban tổ chức Hoa hậu Mỹ quyết định bỏ phần thi bikini chính là mong muốn các các cô gái cần phải khẳng định vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn chứ không phải chỉ biết khoe vẻ đẹp hình thể. “Vẻ đẹp hình thể chỉ giúp cho người đẹp dễ tỏa sáng, còn để nhận được sự tôn trọng của mọi người thì họ phải nhờ vào cá tính và tài năng đặc biệt”, bà khẳng định.

img

Năm 1970, khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã bị nhóm biểu tình, hò hét, ném bom khói và trứng thối để thể hiện sự giận dữ. 

Bỏ phần thi bikini là tôn trọng nhân quyền?

Nhiều người nghĩ đơn giản đây chỉ là một phần thi nhưng đằng sau đó là nhiều vấn đề lớn, liên quan đến nhân quyền, đặc biệt là sự tôn trọng đối với phụ nữ. Với nhiều quốc gia phát triển thế giới, hoa hậu có thể không thật sự hoàn hảo về vóc dáng nhưng nhất thiết phải có tâm hồn đẹp. Đẹp nhưng có lối sống tiêu cực thì đẹp cũng chỉ là thứ trang sức bên ngoài. Hơn nữa, việc loại dần các phần thi da thịt đang chứng minh quan niệm về vẻ đẹp đã có sự thay đổi rõ rệt. Việc bắt phụ nữ trình diễn áo tắm thì trên thực tế đó vẫn là việc các cô gái phải phô bày cơ thể để thiên hạ bàn tán, săm soi và so sánh. Như ông Yu Zichuan, Tổng thư ký tổ chức Miss World Trung Quốc từng gay gắt, màn thi bikini thể hiện sự không tôn trọng với phụ nữ và mang đến những thông điệp sai lầm trong quan niệm về cái đẹp ở các cuộc thi nhan sắc.

img

Việc loại dần các phần thi da thịt đang chứng minh quan niệm về vẻ đẹp đã có sự thay đổi rõ rệt.

Thực tế, vào năm 1970, khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Anh, nhiều người thuộc tổ chức bảo vệ nữ quyền đã thực hiện biểu tình, hò hét, ném bom khói và trứng thối để thể hiện sự giận dữ. Họ giăng đầy những biểu ngữ như "Phụ nữ cũng là con người", "Chấm dứt cuộc thi Hoa hậu Thế giới"... Thậm chí các kênh truyền hình Anh đã từ chối phát sóng cuộc thi Hoa hậu Thế giới, khán giả chỉ có thể theo dõi qua mạng. Vì họ cho rằng, phụ nữ cần được tôn trọng chứ không phải là để đi dưỡn dẹo với những bộ bikini kiệm vải giữa hàng ngàn con mắt, hàng triệu lời bình phẩm.

Và ở Việt Nam, mới đây cuộc thi nhan sắc Nữ hoàng trang sức 2019 cũng quyết định bỏ diễn áo tắm để tiếp cận xu hướng mới của thế giới, đề cao vẻ đẹp tâm hồn thay vì hình thể của phụ nữ. Theo như trình bày của Trưởng ban chỉ đạo Lê Ngọc Dũng thì: "Nhiều cuộc thi quốc tế lớn, đặc biệt là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Mỹ, đã bỏ thi áo tắm từ vài năm nay. Các nhà quản lý văn hóa đã gợi ý chúng tôi thử nghiệm cách làm này. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi cảm thấy thể lệ mới phù hợp, không làm mất đi tính hấp dẫn cuộc thi nên áp dụng. Mục đích là giảm tải sự gợi cảm quá mức trên sân khấu, dễ dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận".

Ở Việt Nam, fan hâm mộ sắc đẹp cũng từng đứng ngồi không yên khi có thông tin về việc nên chăng bỏ phần thi bikini ra khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Thông tin đưa ra bị bỏ ngõ, còn các nhà quản lý thì khẳng định tất cả chưa phải là thông tin chính thức. Bởi vốn dĩ, đây từ xưa đến nay vẫn được xem là phần thi được đón nhận hào hứng nhất từ công chúng, còn gì thú vị hơn ngồi dưới sân khấu hoặc màn hình tivi, được mãn nhãn trước những bông hoa đầy hương sắc, có thể lựa chọn cho mình trong đầu những đại diện xứng đáng nhất?

Khi thông tin cuộc thi Nữ hoàng trang sức 2019 sẽ tiên phong làm "phép thử" bỏ bikini để đo thị hiếu công chúng và muốn có câu trả lời cho việc liệu bỏ phần thi bikini thì cuộc thi này có còn hấp dẫn không?

Đừng khoác thêm "áo" cho các cuộc thi hoa hậu

Đối nghịch với làn sóng ủng hộ bỏ phần thi bikini thì nhiều người cho rằng cuộc thi hoa hậu đơn giản cũng chỉ là một hoạt động giải trí đơn thuần, đừng khoác cho nó những tấm áo quá rộng như tôn vinh trí tuệ, tài năng hay tâm hồn của phụ nữ. Bởi trong một thời gian ngắn ngủi, không thể đủ khả năng giúp các cô gái bộc lộ hết được những phẩm chất đó mà nó là cả một quá trình. Còn về nguyên nhân khiến cho các cuộc thi nhan sắc đang ở thời gian thoái trào thì hơn thế rất nhiều.

img

Nhà thơ, nhà báo Dương Xuân Nam.

Là người có gần 30 năm gắn bó với cuộc thi nhan sắc hàng đầu Việt Nam, đứng trên quan điểm của một “ông trùm hoa hậu”, nhà báo Dương Xuân Nam cho rằng: “Hiện nay các cuộc thi nhan sắc đang dần rơi vào tình trạng bão hòa vì mở ra tràn lan và không ít cuộc thi khiến cho công chúng thất vọng từ khâu tổ chức, hình thức thí sinh cho đến những lùm xùm, scandal xung quanh. Trước đây, nước ta chỉ có 1 cuộc thi đó là Hoa hậu Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần nên nghiêm túc và chỉn chu lắm. Còn giờ, khán giả rất khó để nhớ tên hết các cuộc thi và các người đẹp đăng quang các cuộc thi đó. Nên việc thờ ơ là điều dễ hiểu".

Nữ ca sĩ bị nhầm là hoa hậu trên thảm đỏ cuộc thi Hoa hậu VN 2018 là ai?

Sau 6 năm kể từ ngày đoạt ngôi vị Á quân cuộc thi Sao Mai 2013 Phạm Thuỳ Dung tái xuất gây bất ngờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem