Thi không thực chất thì đừng tổ chức

Thứ năm, ngày 23/06/2011 10:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS: Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 mà các tỉnh công bố rất cao này, nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì thi không thực chất, không nghiêm túc, tốn kém...
Bình luận 0

Với góc nhìn của người trong cuộc, nhà giáo Bình An - giáo viên văn, tham gia chấm thi ở Thừa Thiên - Huế, đã có bài viết gửi NTNN phân tích về vấn đề trên.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay cao - điều đó không phủ nhận việc nhà trường, thầy cô giáo đã có nhiều kinh nghiệm, phương pháp tốt trong quá trình giảng dạy, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh. Hơn nữa, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của Bộ GDĐT trong các môn học, đề thi rất rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, sự tích cực ấy không thể “át” nổi những vấn đề “nổi cộm” để có được tỷ lệ đỗ cao chót vót.

Đề thi dễ, điểm cộng nhiều

img

Thí sinh tại Điện Biên làm thủ tục vào phòng thi.

Đề thi các môn nhìn chung sát kiến thức- kỹ năng cơ bản, trọng tâm, tại thời điểm thi, nhiều học sinh đánh giá là đề dễ. Đặc biệt, đề thi môn toán năm nay dễ hơn nhiều so với các năm trước, do đó, điểm môn toán ở hầu hết các hội đồng thi đều cao chót vót. Đề thi các môn trắc nghiệm: Vật lý, sinh học và ngoại ngữ thì làm giới chuyên môn thất vọng vì số lượng phiên bản đề quá ít: Chỉ có từ 4-6 bản đề, ít hơn một nửa so với các năm trước (12 phiên bản đề), nên thí sinh vẫn có thể truyền ký hiệu, trao đổi, quay cóp bài của nhau.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, học sinh có rất nhiều kinh nghiệm làm bài; chỉ cần trong phòng thi có 1 em làm được bài, lập tức các em sẽ chuyền cho nhau đáp án đúng bằng cách ghi lời dẫn mở đầu của câu hỏi và kèm theo đó là đáp án A, B hoặc C, D. Nhiều em có cách coppy nhau rất tinh vi mà giám thị không thể nào lập biên bản (học sinh ghi vào giấy nháp cỡ chữ lớn để các bạn trong phòng coi theo).

Ngoài ra, hầu hết học sinh lớp 12 đều tham gia học nghề, có điểm khuyến khích cộng vào điểm tốt nghiệp từ 1-2 điểm. Theo thống kê nhiều trường, thì khoảng 5- 10% thí sinh được "cứu" từ việc có điểm khuyến khích đó.

Kỷ cương chưa nghiêm

“Bộ đang nghiên cứu cải cách thi cử”

Trong khi xã hội đang có rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên bớt ôm đồm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu cải cách thi cử. "Chúng tôi cũng đang suy nghĩ về việc có giao quyền cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm hay không. Đổi mới thi cử phải đồng bộ với đổi mới phương pháp đánh giá dạy và học có kết hợp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học... nên chưa thể nói ngay về vấn đề này được" - ông Hiển nói. Cũng theo Thứ trưởng Hiển, Bộ đang tính các phương án để khắc phục tình trạng thí sinh, cán bộ đi làm thi vất vả hàng năm. "Đổi mới thi còn đang trong quá trình xem xét đề xuất, nhưng chắc không có bỏ thi. Các nước trên thế giới cũng không bỏ thi tốt nghiệp THPT" - ông Hiển khẳng định.

Kỷ luật phòng thi được coi là vấn đề cốt lõi để có kỳ thi nghiêm túc. Chúng tôi thấy nhận thức của không ít lãnh đạo sở GDĐT, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thi và giám thị vẫn còn sính bệnh thành tích, muốn địa phương mình, trường mình đạt tỷ lệ đậu thật cao.

Giáo viên thì có tâm lý thương học trò “cho tụi nó đậu hết cho rồi” nên để mặc thí sinh làm gì thì làm, thí sinh ngang nhiên sử dụng tài liệu, quay cóp vẫn không lập biên bản.

Ngay cả việc chấm thi cũng có vấn đề. Nhiều giáo viên ở các tỉnh ĐBSCL - bạn tôi đã bày tỏ sự bức xúc khi hướng dẫn chấm thi môn văn ở đây quá "sáng tạo", “thả lỏng” so với văn bản hướng dẫn chấm thi của Bộ GDĐT.

Những biểu hiện tiêu cực thường gặp trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước năm 2006 (từng bị triệt tiêu gần như hoàn toàn trong các năm từ 2007 đến 2009, khi có chủ trương “2 không” có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ) thì nay hoành hành trở lại như Hội Phụ huynh, Sở GDĐT hết lòng phục vụ các giám thị, thanh tra uỷ quyền... từ tiền đóng góp "tự nguyện" của phụ huynh học sinh.

Lãnh đạo hội đồng đến giám thị, người làm bảo vệ... cũng đua nhau gửi "gà". Thậm chí, có cả cảnh giám thị nháp bài, dàn xếp giám thị người A, người B, vào phòng này, phòng nọ để "hỗ trợ" cho "gà" vượt khó khăn.

Với cách thức tổ chức, ra đề, chấm thi và coi thi “nổi cộm” như vậy thì theo tôi việc tổ chức kỳ thi cũng không có ý nghĩa. Một kỳ thi tốt nghiệp THPT không có tính cạnh tranh, tỷ lệ đỗ cao chót vót kiểu “bằng mọi giá” như hiện nay thì không cần thi cử nữa, bởi càng thi càng tiếp tay cho gian lận.

Điểm cao đến không tin nổi

Nhiều phụ huynh bạn tôi khi nghe con em đỗ tốt nghiệp, mà đỗ với điểm cao đã không tin nổi đó là sự thật. Có mấy đứa học yếu lắm, lại ham chơi, tối ngày lao vào game online thế mà vẫn đậu như thường. Với cách làm như vậy, rồi đây, ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo, nhất là bậc THPT sẽ càng thêm khổ sở, mệt nhọc với nhiều học sinh lười biếng, coi thường việc học hành. Theo tôi, kỳ thi tổ chức mà “có cũng như không” thì không nên tổ chức, thay vào đó là siết chặt các yêu cầu học kiến thức phổ thông rồi công nhận tốt nghiệp một cách công bằng là được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem