|
Sinh viên tình nguyện Hà Nội hướng dẫn thí sinh tới địa điểm thi. |
80% thí sinh dự thi?
Năm nay, hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Thương Mại Hà Nội tuy không giảm nhiều so với năm trước (40.000 hồ sơ) nhưng dự tính thí sinh ảo sẽ giảm mạnh. Ông Nguyễn Xuân Nhàn – Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Tỷ lệ thí sinh ảo của trường mọi năm thường khoảng 30%, dự kiến năm nay con số này còn giảm hơn nữa do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao”.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã chốt hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh, chỉ dò lại cho chính xác với tổng số hồ sơ dự thi là 41.000 hồ sơ giảm hơn rất nhiều so với năm 2009 là 63.000 hồ sơ. “Năm nay hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tụt khoảng 25% so với năm ngoái nhưng hy vọng lớn hơn của trường là tỷ lệ thí sinh đến dự thi sẽ trên 80%” – ông Nguyễn Anh Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường nhận định.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 15.000, tăng 4.000 so với năm ngoái nhưng tỷ lệ hồ sơ ảo cũng được xác định là giảm xuống mức 30% (trước đó khoảng 35%). Lý giải về điều này, một chuyên viên của Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng cho hay, do năm nay Bộ GD - ĐT quy định thu lệ phí nộp hồ sơ và lệ phí thi một lần ngay từ đầu chứ không phải như mọi năm chỉ thu 20.000 đồng lệ phí nộp hồ sơ, đến lúc vào thi mới thu 60.000 đồng lệ phí thi nên thí sinh e ngại phải đóng nhiều tiền. Một nguyên nhân nữa, do năm nay công tác tuyên truyền về tuyển sinh làm tốt hơn các năm trước nên thí sinh tự lượng sức mình để suy nghĩ chọn trường.
Các Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM… cũng dự tính lượng thí sinh đến dự thi sẽ cao hơn. Theo Bộ GD-ĐT, tổng hồ sơ đăng ký dự thi đợt 1 là gần 1 triệu bộ, với dự báo của các trường, khả năng có tới 70% trong số này là thí sinh thực sự dự thi.
Các trường vẫn lỗ nặng
Đại diện nhiều trường đều cho biết: Mọi năm việc bố trí địa điểm, phòng thi, cán bộ thi, in sao đề thi thường ít hơn so với lượng hồ sơ đăng ký vì tính toán được số lượng ảo nên hạn chế được một phần kinh phí. Nhưng năm nay các trường không dám mạo hiểm, nhất là sau thông tin tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, các trường đều phải bổ sung đủ 100% theo hồ sơ đăng ký.
Ông Trịnh Minh Thụ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thuỷ lợi cho biết: “Mọi năm tỷ lệ thí sinh đến dự thi của trường đạt 65 -70% nhưng năm nay dự tính con số này sẽ tăng rất nhiều vì vậy trường đã phải thuê đến 15 địa điểm thi. Bên cạnh đó cán bộ coi thi và đề thi cũng buộc phải chuẩn bị đủ 100%. Năm ngoái nhà trường phải bù lỗ 300 – 400 triệu đồng, năm nay con số này chắc chắn sẽ tăng hơn do giá thuê phòng tăng cao (350.000 – 400.000 đồng/phòng)”.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cũng trăn trở: “Năm nay tổng chi phí chuẩn bị cho kỳ thi của trường đã tăng lên 10% so với năm trước. Trường đã chuẩn bị địa điểm thi từ tháng 12 nhưng cũng phải bổ sung thêm lên tới 46 địa điểm thi do dự kiến số lượng thí sinh đến đông. Tuy năm nay giảm một chút do thí sinh đóng trước lệ phí khi nộp hồ sơ, nhưng lỗ nặng vẫn là nỗi lo của trường mặc dù cũng mừng thầm vì hy vọng lượng thí sinh ảo sẽ giảm theo… lý thuyết”.
Thí sinh khổ vì nắng nóng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, từ 2-7 miền Bắc bắt đầu đợt nắng nóng mới, kéo dài khoảng 5 ngày. Theo đó, sĩ tử thi ĐH đợt 1 sẽ chịu cảnh nắng nóng suốt hai ngày thi. Đặc biệt là các tỉnh phía Đông Bắc bộ và Bắc, Trung Trung bộ có thể xuất hiện nắng nóng 38-39oC.
Thiên Hà - Võ Đức Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.