Học tủ bị "tủ đè"
Kể lại kết quả thất bại của mình từ việc thi trên mạng rồi thi thử tại trung tâm, thí sinh Nguyễn Trần Mi Anh (đang theo học tại Trung tâm luyện thi Thành Công, Tân Phú, TPHCM) cho biết: Năm trước khi mới tốt nghiệp THPT em vào đây luyện thi cấp tốc vào khối A. Ngoài giờ học tại trung tâm, em còn mở một tài khoản và giải đề trên mạng.
Có những câu trắc nghiệm lẫn đề thi đọc không hiểu nhưng em cứ nhắm mắt đánh đại hên xui, sau đó kiểm tra kết quả nhưng đa số là sai. "Các đề thi thầy giải em cứ học thuộc lòng từ các câu hỏi đến kết quả, vậy mà kỳ thi đại học vừa rồi em vẫn rớt nên bị các bạn nói học tủ bị "tủ đè".
Cùng chung tâm trạng với Mi Anh, em Hồng Hà, Lạc Long Quân, Tân Bình, TPHCM cho hay, năm trước chị của em cũng thi thử các vòng đều đạt, tới khi thi thật thì rớt nên em không dám đăng kí thi thử nhiều, nó làm mình lo nhiều hơn là cảm giác trải nghiệm.
Chiều tối ngày 27.3, phóng viên có mặt tại Trung tâm luyện thi Thành Công. Theo ghi nhận ban đầu học sinh đến luyện thi rất đông. Buổi chiều các ngày trong tuần từ 6 - 9 giờ có nhiều lớp học luyện thi cho các khối và nhận học sinh từ lớp 9 trở lên. Một thầy giáo phụ trách môn hóa học không quên giới thiệu và nhấn mạnh trong bài giảng của mình: Học phần này cho chắc, năm nay khả năng ra phần này rất cao. Thầy còn nhấn mạnh: Những năm trước thầy ra đề thi tại trung tâm cho học sinh thi thử. Đến khi thi thật đề cũng giống vậy nên học sinh rất tự tin.
|
Lớp học tại Trung tâm luyện thi Thành Công không còn chỗ trống (ảnh chụp chiều tối 27.3). |
Tâm lý bất an
ThS Trần Quang Hiếu, Khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học công nghệ Sài Gòn cho rằng, đã gọi là thi thì phải có hội đồng thi hẳn hoi. Còn các trung tâm tổ chức cho học sinh thi thì chỉ gọi là kiểm tra lại kiến thức trong quá trình ôn tập. Có nhiều trung tâm cho thi thử nhưng vẫn để cho thí sinh vô tư giở tài liệu chép bài. Đến khi thi thật thì thí sinh chẳng nhớ gì, nhìn thấy giám thị đã sợ rồi. Với những trường hợp này có thi bao nhiêu lần cũng không đỗ mà còn làm lãng phí thời gian cho thí sinh.
"Nếu kết quả tốt thì tạo ra tính ỷ lại. Còn khi kết quả xấu thì làm cho mất tự tin vào kiến thức bản thân mình. Trong khi đó, việc dành thời gian cho ôn luyện kiến thức một cách hệ thống thì sẽ nhớ lâu và hiệu quả hơn rất nhiều."
ThS Trần Quang Hiếu
Nếu xác định là thi đại học thì học sinh cần phải học và nắm vững kiến thức một cách xuyên suốt để khi làm bài thi suy luận và phán đoán một cách logic. Nếu cứ chăm chăm vào giải đề các năm thi trước hoặc giải và học thuộc cả bộ đề nhưng yếu kiến thức nền thì cũng không đảm bảo cho kết quả tốt khi thi. Vì đề thi thường dựa vào kiến thức trong sách giáo khoa nên không năm nào giống năm nào.
Theo ThS Bùi Thị Toan, Khoa Tâm lý, trường Đại học Sài Gòn, do không có một cơ quan chuyên trách nào chịu trách nhiệm thẩm định nên chất lượng đề thi của các dịch vụ thi thử hiện nay đang có vấn đề. Đề thi chủ yếu do giáo viên ở các "lò" luyện soạn thảo. Vì thế, các em không nên chạy theo quá nhiều bộ đề thi dù ở hình thức nào đi nữa, trên mạng hoặc thi thử tại trung tâm cũng làm các em ảnh hưởng về thời gian và tạo tâm lý bất an.
Theo Kiến Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.