Thị trường bất động sản TP.HCM tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trần Phương Thứ tư, ngày 26/10/2016 07:00 AM (GMT+7)
Sau giai đoạn phục hồi từ cuối 2013 và phát triển đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khá phức tạp.
Bình luận 0

Bất động sản đang lệch pha cung - cầu

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản (HoREA) gửi đến Chính phủ và các cơ quan ban ngành đánh giá chung, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2016 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu chững lại.

Theo đó, thị trường bất động sản đang tồn tại những vấn đề bất ổn mà nếu không xử lý kịp thời sẽ gây tác động xấu. Thậm chí, những bất ổn này có thể tác động tiêu cực đến  mục tiêu giữ vững ổn định của nền kinh tế vĩ  mô.

Những yếu tố bất ổn đáng chú ý đó là phát triển lệch pha cung – cầu. Sự phân khúc bất động sản hạng sang cao cấp như du lịch, nghỉ dưỡng đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Trong khi đó, lại rất thiếu phân khúc bất động sản nhà ở thương mại vừa túi tiền như rất thiếu các dự án căn hộ 1-2 phòng ngủ, có giá bán khoảng 15triệu đồng/m2, tổng giá bán căn hộ gần 1 tỷ đồng. Thiếu trầm trọng dự án thương mại cho thuê giá rẻ 1,5- 3 triệu đồng/tháng.

img

Khu đông thành phố Hồ Chí Minh

Sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp cũng kìm hãm thị trường. Cụ thể, những nhà đầu tư thứ cấp sẽ mua rồi đem cho thuê hoặc bán lại để kiếm lời. Qua khảo sát của CBRE, 30% mua để cho thuê, 21% mua để bán, 29% mua để ở…

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cao, và nợ xấu trong quý 3 năm 2016 cũng là nguyên nhân chính làm cho thị trường bất động sản chững lại. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 8,16% do Thông tư 06/2016/TT-NHNN (thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN), đã nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Thị trường BĐS dự báo tăng nhẹ cuối năm

HoREA đánh giá, qua 9 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 113,26% so với năm 2015, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy, các doanh nghiệp BĐS trung bình và mới thành lập chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản quy mô trung bình nhất là các doanh nghiệp mới thành lập vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 3,8% tổng dư nợ.

Dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng so với quý 3 do từ nay đến tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm trong năm. Nhưng xét về tổng thể, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại so với năm 2015. Qua đó, năm 2017 cũng sẽ tiếp tục xu thế tăng chậm. Tuy nhiên, khó xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

“Phải có những giải pháp để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững như hoàn thiện cơ chế pháp lý nhất quán, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đề nghị chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần, sửa đổi, bổ sung điều  62 Luật Đất đai để xác định tính pháp lý và thẩm quyền của cơ quan chức năng…”, ông Châu kiến nghị.

Ông Châu cho rằng, vấn đề cấp bách là Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản trên cơ sở đánh giá tính khả thi của từng dự án, và rất cần quan tâm đến chất lượng tín dụng, cũng như kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Bá Chi Nhân, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục tăng nhẹ so với quý 3 vì đây là dịp cuối năm nên nhu cầu mua nhà cao. Thế nhưng nhìn tổng thể rất dễ thấy việc chững lại. Nếu vẫn theo đà này, thì thị trường bất động sản năm 2017 sẽ chững lại và tốc độ tăng trưởng chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem