Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Các chuyên gia phân tích thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022, nếu như nửa đầu năm, thị trường còn tín hiệu khả quan thì ngay sau đó, khó khăn về vốn, về thanh khoản khiến bất động sản trầm lắng. Đặc biệt, những vụ lùm xùm trên thị trường tài chính điển hình là trái phiếu và sự giảm giá của cổ phiếu cũng tác động mạnh đến tâm lý của chủ thể tham gia thị trường bất động sản.
Nếu như giai đoạn 2011-2013, khó khăn của thị trường bất động sản khởi phát từ nợ xấu thì hiện tại, niềm tin bị đổ vỡ ảnh hưởng từ thị trường tài chính đã tác động đến thị trường địa ốc rơi vào nhịp trầm. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản hiện nay không "đóng băng" mà chỉ trầm lắng, giao dịch ít.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn thì cũng là lúc những nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi thị trường bất động sản chạm đáy, để bước vào thâu tóm. Đó cũng là tâm lý của nhà đầu tư đang đợi thị trường bất động sản chạm đáy sẽ vào mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhiều lần lo ngại vấn đề, doanh nghiệp bất động sản suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" phần lớn cổ phần, dự án bất động sản với giá rẻ. Như vậy, thị trường bất động sản dễ bị đẩy vào sự kiểm soát của doanh nghiệp nước ngoài.
Với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, sự đa dạng của các nền kinh tế cũng như sức hút tại một số thành phố, thị trường bất động sản châu Á vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực. Theo Savills Prospects, ba quốc gia có triển vọng nổi bật nhất trong khu vực hiện nay có thể kể đến Việt Nam, Singapore và Nhật Bản.
Chuyên gia của Savills Propsects cho biết các nền kinh tế châu Á mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023. Trong khi đó, những nền kinh tế phát triển như Úc và Nhật Bản cũng sẽ bỏ xa Mỹ và châu Âu một khoảng cách khi xét về câu chuyện phát triển kinh tế vào năm tới.
Đặc biệt, thị trường bất động sản Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển, lợi thế phát triển kinh tế hạ tầng đã và đang thu hút nhà đầu tư. Theo đó, sự cải thiện trong môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư từ chính phủ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn thị trường bất động sản như năm vừa qua, tín hiệu tích cực từ FDI đã đặt niềm tin về nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong nước, kỳ vọng phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm gần đây. Vốn FDI được phân bổ vào 19 trên 21 ngành kinh tế quốc dân, tập trung vào ba lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản. Trong đó, vốn ngoại vào bất động sản đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tương đương mức tăng hơn 70% so với cả năm 2021.
Việc vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Nguyên do là cơ sở hạ tầng dần đồng bộ đã giúp gia tăng liên kết vùng. Từ đó, các phân khúc như bất động sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những sản phẩm được chú ý và săn lùng bởi các nhà đầu tư ngoại.
"Việt Nam là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để tiếp tục kinh doanh đầu tư trong thời gian dài. Là một nơi hấp dẫn với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Đây sẽ là một tác động tích cực cho tăng trưởng thị trường bất động sản công nghiệp và thương mại của Việt Nam", theo Savills Hoa Kỳ chia sẻ.
Theo Savills Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn vốn cho bất động sản từ FDI là hoàn toàn khả thi vì sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là rất lớn. Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ cho việc đầu tư.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng được cho là sẽ hưởng lợi đầu tiên từ dòng vốn FDI nhờ vào việc Chính phủ tăng mạnh đầu tư hạ tầng, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Mặt khác, lợi thế giá đất vẫn còn thấp so với khu vực, các nhà máy sản xuất đang ưu tiên một điểm đến ổn định thay vì đa dạng hoá sản xuất toàn cầu… cũng sẽ duy trì tăng trưởng phân khúc này trong thời gian tới.
"Các phân khúc như nhà ở, căn hộ dịch vụ, mặt bằng bán lẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn… cũng có cơ hội khi thời gian vừa qua được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chú ý", ông Troy Griffiths nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.