Sáng 18/12, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019 và tọa đàm “Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN”. Đây là sự kiện được tổ chức dịp cuối năm và liên tục trong 3 năm gần đây nhằm nhìn lại những thành tựu đã đạt được của nền kinh tế 2019 cũng như khó khăn, thách thức và triển vọng của năm 2020.
Tại tọa đàm, phát biểu về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2020, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI, đánh giá diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2020 sẽ tương tự như năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng Công ty SSI
“Hồng hào” đầu năm, ảm đạm cuối năm?
Ông Linh cho biết, thị trường chứng khoán đầu năm 2019 “có chút hồng hào” nhưng đến cuối năm rơi vào tình trạng trầm lắng và gần như “dậm chân tại chỗ”. Như trong tháng 12/2019 thị trường kỳ vọng chứng khoán sẽ khởi sắc bởi thị trường đón nhiều tin tốt, diễn biến tích cực từ thị trường tài chính thế giới từ cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất, các chỉ số chứng khoán Mỹ như S&P500 tháng sau luôn cao hơn tháng trước và hiện leo lên đỉnh kỷ lục (3.192,5 điểm). Thế nhưng, thị trường chứng khoán Việt Nam chúng ta vẫn không “ngoi lên được” và duy trì ở mức thấp nhất của năm 2019.
“Cũng như nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng cần phải có thời gian tích lũy, thời gian tích lũy càng lớn thì sức bật càng mạnh. Điểm tích cực chúng ta hy vọng chính là sau thời gian tích lũy (năm 2018 và 2019) thị trường sẽ đi lên chứ không phải đi xuống. Đó là hy vọng cho thị trường chứng khoán năm 2020”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhấn mạnh thêm.
Nói về dòng tiền đầu tư nước ngoài, vị chuyên gia từ SSI cho rằng nhìn chung dòng tiền đầu tư gián tiếp theo các số liệu thống kê đều cho thấy đều tăng trưởng và tăng trưởng rất cao.
Trong năm 2017, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. Tiếp đến trong năm 2018, các con số này là 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017.
Trong năm 2019, sau 10 tháng đã có đến 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018 và vượt giá trị của cả năm 2018. Dòng tiền này tích cực ở nhiều khía cạnh bao gồm cả tốt cho thị trường chứng khoán và quan trọng hơn là tốt cho các cân đối vĩ mô của Việt Nam.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Linh nói, năm 2017 và 2018, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam dương và dương rất cao, một phần là do Việt Nam suất siêu nhưng còn 1 phần khác đến từ dòng tiền từ đầu tư gián tiếp. Như năm 2019, đầu năm SK Group chi 1 tỷ USD để mua cổ phần Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cuối năm có thương vụ KEB Hana Bank chi khoảng 20.000 tỷ để nắm 15% vốn tại BIDV là những thương vụ điển hình. Chính những khoản tiền này đã giúp cho Việt Nam có được dòng thặng dư lớn mang lại sự ổn định của tài chính tiền tệ. Nếu không có dòng tiền nước ngoài này thì thực sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sự ổn định của kinh tế Việt Nam sẽ không được như năm nay.
Ông Linh hy vọng sang năm 2020, dòng tiền này vẫn duy trì như năm 2019 bởi Việt Nam vẫn có những doanh nghiệp tư nhân lớn, vẫn có những doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn. Theo dự đoán, trong năm 2020 sẽ có khoảng 8 tỷ USD từ IPO đổ vào thị trường này.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia từ SSI lại không kỳ vọng các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sau đó lên sàn bán vốn trong năm 2020. Ngoài sức ì của thủ tục thì thị trường chứng khoán năm 2020 cũng chưa thực sự thuận lợi để bán vốn. Điều này cũng nằm trong quan điểm của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, rằng chúng ta không nên quá vội vàng bán vốn của Nhà nước, CPH chúng ta nhất thiết phải làm phải có cơ chế minh bạch để quản lý doanh nghiệp nhà nước đó, còn bán vốn phải chờ thời điểm, vì tài sản bán xong sẽ không còn nữa
“Ví dụ như năm 2017 có các trường hợp chúng ta bán với giá rất cao như bán Sabeco với giá mà mọi người không thể ngờ được 320.000 tỷ. Cổ phần hóa là chúng ta phải làm nhưng bán vốn thì cân nhắc thời điểm. Cũng phải nói thêm rằng, năm nay thặng dư ngân sách chúng ta vẫn thặng dư, chúng ta không thiếu tiền mà phải bán vội”, ông Linh Nhấn mạnh.
Thị trường trái phiếu – cần hơn những con số
Dù thị trường chứng khoán trong năm 2019 không thực sự “vui vẻ” theo nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Hùng Linh song ông Linh cho rằng thị trường tài chính năm 2020 vẫn sẽ có điểm sáng đến từ thị trường trái phiếu.
Cụ thể, sau khi có Nghị định 163 ra đời thì sự phát triển của thị trường trái phiếu rất mạnh, là hướng đi mới và đúng chủ trương. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu này đi vào thực chất thì cần nhiều hơn các con số bên ngoài.
Vị này phân tích, trong số lượng trái phiếu khủng của năm 2019 có tới một nửa là của các ngân hàng, 1 phần 3 của các doanh nghiệp bất động sản nên dòng tiền thực sự vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đâu đó cần tiền thay thế cho dòng vốn từ ngân hàng thì vẫn chưa đạt mong muốn.
Ngoài ra, khung thể chế đặc biệt là liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp và tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để thị trường có cơ sở xác định lãi suất nào hợp lý với doanh nghiệp cũng chưa có. Thị trường phát triển nhanh nhưng khung thể chế chưa có sẽ dễ dẫn tới rủi ro.
“Năm 2020 tôi cho rằng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ tập trung vào phát triển thị trường trái phiếu, đây là kênh đa dạng hóa kênh đầu tư cho nhà đầu tư vì hiện tại đầu tư chứng khoán không sinh lãi nhiều, chỉ như năm 2019. Trái phiếu vẫn là kênh đầu tư sinh lời cao hơn để người dân cân nhắc so với kênh đầu tư tiết kiệm”, ông Linh nhấn mạnh thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.