Thị trường lúa gạo trầm lắng, đơn hàng xuất khẩu giảm, giá gạo xuống thấp

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 14/02/2025 11:40 AM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Đặc biệt, trong vòng 10 ngày đầu của tháng 2, giá gạo xuất khẩu càng giảm nhanh. Cụ thể, gạo 5% tấm ngày 14/2 đang chỉ ở mức 397 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 371-372 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn.
Bình luận 0

Thị trường lúa gạo trầm lắng, giá gạo liên tục giảm

Cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm liên tục kể từ tháng 12/2024 đến nay. Ngày 14/2, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 397 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 425 USD/tấn, gạo Ấn Độ là 413 USD/tấn và Pakistan ở mức 402 USD/tấn. Với chủng loại gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam là 371-372 USD/tấn, bằng giá gạo Pakistan và thấp hơn gạo Thái Lan 34 USD/tấn, thấp hơn gạo Ấn Độ 22 USD/tấn.

So với thời điểm giá gạo Việt Nam lập đỉnh vào giữa tháng 8/2023 (700 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Giá lúa gạo hôm nay ngày 14/2/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có dấu hiệu tăng lên. Cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg so với hôm qua; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.

Tương tự, với mặt hàng lúa tươi, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện giá Lúa IR 50404 dao động ở mức 5.300 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động mốc 5.800 - 6.100 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 dao động ở mốc 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 18 dao động ở mốc 6.500 - 6.700 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg.

Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay, lượng lúa gạo khá, giao dịch mua bán vẫn chậm.

Thị trường lúa gạo trầm lắng, đơn hàng xuất khẩu giảm, giá gạo xuống rất thấp - Ảnh 1.

So với thời điểm giá gạo Việt Nam lập đỉnh vào giữa tháng 8/2023 (700 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Thực tế, giá gạo Việt Nam tăng nhanh và đạt đỉnh ở thời điểm năm 2023 và nửa đầu năm 2024 có nguyên nhân là do Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo. Thị trường giai đoạn này gần như chỉ dành cho gạo Việt Nam và Thái Lan; có những thời điểm khách hàng cần mua vào đã đẩy giá gạo Việt Nam lên cao.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho hay, giá gạo xuất khẩu thế giới hiện bị chi phối bởi sản lượng gạo dồi dào từ các quốc gia cung ứng, đặc biệt là Ấn Độ. Việc này tạo nên áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu gạo còn lại; trong đó có Việt Nam. 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất lo lắng, vì số đơn hàng giảm, doanh nghiệp cho biết không có nhiều đơn hàng ký kết cho thời gian xuất khẩu trong tháng 2. Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ có sản lượng lúa gạo lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng lúa gạo dự báo sẽ dồi dào, gây áp lực lớn lên giá gạo.

Cần sớm tính các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 01/2025, vụ Thu Đông 2024 tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 711.000 ha/700.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được 711.000 ha với năng suất khoảng 58,45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4,157 triệu tấn lúa.

Vụ Đông Xuân 2024-2025 đã xuống giống được hơn 1,4 triệu ha, đạt 100% diện tích kế hoạch, đã bắt đầu thu hoạch khoảng 167.000 ha với năng suất 61 tạ/ha, sản lượng ước 1,018 triệu tấn lúa.

Như vậy, một lượng lúa lớn đã được thu hoạch và đưa ra thị trường, theo đó nguồn cung gạo của Việt Nam cũng dồi dào hơn. Điều này đã khiến giá lúa trong nước giảm vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua và cả hiện nay. Do đó, để bảo đảm giá lúa ổn định và có lợi cho nông dân thì hoạt động xuất khẩu gạo phải được khơi thông ngay từ những tháng đầu năm.

Trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ 1%, nhưng giá trị lại giảm tới 10,4%.

Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu sụt giảm, theo VFA và một số doanh nghiệp, là do giá gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới. Chưa kể, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới trong tháng 1/2025 giảm còn do có ít khách hàng tham gia giao dịch trong dịp Tết (sau Tết dương lịch và trước Tết Nguyên đán).

Tháng 2 này, dự báo Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 570.000 - 600.000 tấn gạo. Theo các doanh nghiệp, trong tháng 3, các gói thầu nhập khẩu sẽ mở lại, khi đó thị trường mới có thể khởi sắc hơn. Cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu tháng 3 sẽ ước khoảng 1,13 triệu tấn; tháng 4 khoảng 1 triệu tấn; tháng 5 khoảng 850.000 tấn; tháng 6 khoảng 500.000 tấn.

Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,04 triệu tấn. Cụ thể, tháng 7 khoảng 550.000 tấn; tháng 8 khoảng 900.000 tấn; tháng 9 khoảng 900.000 tấn; tháng 10 khoảng 300.000 tấn; tháng 11 khoảng 250.000 tấn; tháng 12 khoảng 140.000 tấn.

Thị trường lúa gạo trầm lắng, đơn hàng xuất khẩu giảm, giá gạo xuống rất thấp - Ảnh 2.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo năm 2025 sẽ là một năm thách thức đối với xuất khẩu gạo. Sản lượng xuất khẩu dự kiến chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm đáng kể so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn của năm 2024.

Nhìn nhận thị trường là vấn đề quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2025, các Bộ ngành liên quan đã lên kế hoạch tập trung mạnh vào khâu xúc tiến thương mại. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để giữ đà tăng trưởng cho ngành hàng này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng để tăng tiềm lực tài chính trong thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, ngay từ 01/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng hơn về xuất khẩu gạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước; đồng thời nâng cao giá trị, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo và thúc đẩy xúc tiến thương mại. Cụ thể, Nghị định nêu rõ, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hằng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại gạo, bảo đảm tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo.

Ngoài các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, năm 2025 sẽ tập trung vào việc khai thác thị trường đang gia tăng nhu cầu như khu vực Trung Đông, khu vực Bắc Âu, đồng thời có các giải pháp mới để khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc vốn bị sụt giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo khá nhiều trong năm 2024.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần tích cực phối hợp với các bộ ngành trong việc đưa mặt hàng gạo của Việt Nam vào các chuỗi phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ tại các quốc gia nhập khẩu nhằm quảng bá, tăng cường sự nhận diện của khách hàng về sản phẩm gạo Việt Nam.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo năm 2025 sẽ là một năm thách thức đối với xuất khẩu gạo. Sản lượng xuất khẩu dự kiến chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm đáng kể so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn của năm 2024.

Dự báo mới nhất của USDA cũng cho thấy, nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ đạt mức kỷ lục 527,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ sản lượng tăng ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tiêu thụ gạo toàn cầu cũng tăng lên 526,4 triệu tấn, nhưng sản lượng vượt nhu cầu giúp thị trường chuyển từ thâm hụt sang thặng dư sau ba năm thiếu hụt gạo.

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn. Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn do nhu cầu từ Indonesia giảm, nhưng vẫn giữ thị trường quan trọng như Philippines và Trung Quốc. Lượng tồn kho toàn cầu đạt 182,5 triệu tấn, cao nhất từ 2021-2022, với Ấn Độ chiếm phần lớn.

Năm 2025, khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam - tự chủ lương thực chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung sẽ tác động đến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi.

Bên cạnh đó, về phía các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản… Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Vấn đề hiện nay là giá gạo đang thấp, đơn hàng xuất khẩu ít nhưng lượng lúa gạo thu hoạch tăng dần và nông dân có nhu cầu bán ngay. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho việc thu mua, tạm trữ vừa giảm tình trạng ùn ứ lúa cho nông dân vừa giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu những tháng sau.



 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem