Trong những năm qua, việc tuyển dụng công chức, viên chức (CC-VC) được nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức nhằm bổ sung nhân lực, kiện toàn đội ngũ nhân sự. Đến nay, ngay cả sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 về việc bỏ "chế độ biên chế suốt đời" đối với viên chức, thì cuộc thi này vẫn chưa bao giờ hết nóng.
Đứng ở góc nhìn thí sinh, cuộc thi này thậm chí cam go và căng thẳng hơn cả kì thi tuyển sinh đại học. Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc thi này, chúng tôi đã cuộc trao đổi với thầy Đặng Hồng Công – giáo viên trường THPT Phạm Công Bình (Vĩnh Phúc) – được biết đến là giáo viên đã hướng dẫn nhiều thế hệ thí sinh tham gia các kì thi tuyển dụng CC-VC đạt thành tích cao.
Chào thầy, cảm ơn thầy đã nhận lời tham gia trò chuyện cùng chúng tôi. Trước hết xin thầy cho biết một cái nhìn tổng thể về các kì thi tuyển dụng CC-VC hiện nay?
Thầy Đặng Hồng Công: Chào các bạn. Theo như quan sát của tôi, nhiều năm gần đây các tỉnh thành đều tổ chức các kì thi tuyển dụng CC-VC khá thường xuyên. Căn cứ trên chỉ tiêu được giao, các đơn vị đăng thông tin tuyển dụng, chỉ tiêu chi tiết cho từng môn, từng ngành, sau đó tổ chức thi. Kì thi này thường có 2 vòng: vòng 1 là vòng điều kiện, vòng 2 thi chuyên ngành để quyết định điểm số và xếp hạng thí sinh. Tôi cho rằng kì thi này là rất thiết thực trong việc tuyển chọn nhân lực có chất lượng vào các cơ quan đơn vị.
Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo đó, chính thức bỏ "chế độ biên chế suốt đời" đối với viên chức, vậy điều này có tác động nhiều đến các kì thi này không thưa thầy?
Thầy Đặng Hồng Công: Như chúng ta đã biết, từ 01/7/2020 không còn chế độ biên chế suốt đời, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng nhiều đến các kì thi tuyển dụng CC-VC hay tâm lí của các thí sinh, vì thực chất theo quy định mới, viên chức chuyển từ “hợp đồng làm việc không xác định thời hạn” sang “hợp đồng làm việc có xác định thời hạn”, tức là sau một giai đoạn (tối đa 60 tháng) viên chức lại kí hợp đồng mới, các quyền lợi khác của viên chức không bị ảnh hưởng gì.
Thí sinh tham dự các kì thi tuyển dụng CC-VC hiện nay gặp khó khăn gì nhiều không thưa thầy?
Thầy Đặng Hồng Công: Nhiều khó khăn chứ! Thứ nhất về sự đồng bộ về hình thức thi giữa các địa phương là chưa cao. Hầu hết các địa phương tổ chức 2 vòng thi như tôi đã nêu bên trên, tại vòng 1 nhiều địa phương tổ chức thi các môn điều kiện như Ngoại ngữ, Kiến thức chung (luật), Tin học, có địa phương bỏ môn Tin học, có địa phương chỉ xét hồ sơ. Vòng 2 là vòng quyết định, có địa phương kết hợp xét hồ sơ với thi, nhiều địa phương tổ chức thi theo một trong 3 hình thức: thi viết trên giấy, thi thực hành chuyên môn nghiệp vụ (thực hành giảng dạy với giáo viên) và phỏng vấn. Thậm chí trong cùng 1 địa phương thì hình thức thi của các năm có thể khác nhau; trong cùng 1 tỉnh thành thì hình thức thi của các quận huyện cũng có thể khác nhau. Điều này khiến thí sinh khá bối rối.
Thứ hai về nội dung thi, không có một khung kiến thức chung nào cho kì thi dạng này, bởi vậy mẫu đề thi và phạm vi kiến thức cũng hết sức đa dạng. Thật may là nhiều đơn vị có cung cấp “Hướng dẫn ôn tập” trước mỗi kì thi, tuy nhiên hướng dẫn này đôi khi quá chung chung và thậm chí một số địa phương còn không có hướng dẫn. Lấy ví dụ như thi tuyển viên chức giáo dục, một trong các nội dung thi quan trọng của bài thi vòng 2 là soạn giáo án, khi thí sinh học trong trường đại học được đào tạo theo một mẫu nhất định, nay họ phải soạn theo hướng dẫn của công văn số 5512 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18/12/2020, điều này khiến nhiều người cực kì bỡ ngỡ.
Khó khăn thứ ba là nguồn tư liệu, thí sinh chuẩn bị cho kì thi này không dễ để tự tìm tư liệu ôn tập, họ phải mày mò trên internet hoặc hỏi han bạn bè và dễ gặp tư liệu với chất lượng xô bồ, không có chất lượng. Trong khi đó đề thi thật của các năm trước hầu hết không công khai ra bên ngoài sau mỗi kì thi.
Thầy Đặng Hồng Công – Giáo viên có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn thi Công chức viên chức
Chúng tôi được biết thầy đã hỗ trợ cho nhiều thí sinh thi thành công tại các kì thi này tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Định, Hà Nam, Quảng Nam... với nhiều thủ khoa, vậy thầy có lời khuyên hoặc “bí kíp” nào dành cho các thí sinh sắp tham dự kì thi tuyển dụng CC-VC này không?
Thầy Đặng Hồng Công: Cảm ơn lời khen của bạn. Tôi xin chia sẻ ngắn gọn mấy kinh nghiệm sau đây. Đầu tiên là công tác chuẩn bị, không nên chủ quan mà cần có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, kinh nghiệm vì đặc trưng của kì thi này không giống với các kì thi ở phổ thông, thí sinh cần có kiến thức chuyên môn vững vàng.
Thứ hai là tư liệu ôn thi, cần bám sát “hướng dẫn ôn tập” để khai thác các tư liệu phù hợp, tránh lạm dụng các tư liệu trên mạng vì hệ thống tư liệu đó thường xô bồ, dễ lệch hướng, có thể nhờ 1 giáo viên có trình độ cao hỗ trợ, tư vấn.
Thứ ba là cần cập nhật các chủ trương đổi mới chuyên môn và thích ứng với đòi hỏi của đơn vị sở tại, bài thi sẽ khó dành điểm cao nếu vẫn áp dụng các quan điểm cũ mà cần ứng dụng các nội dung hiện đại, ví dụ như soạn giáo án cần phải là giáo án phát triển năng lực, thể hiện tốt các phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm.
Trân trọng cảm ơn thầy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.