Nói đến An Khê, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất nhuần bao dấu ấn lịch sử. An khê – đất dựng cơ đồ của Tây Sơn tam kiệt để làm nên cơn bão táp lật nhào chế độ thống trị thối nát Trịnh – Nguyễn, thống nhất giang sơn, quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược…
Hơn 200 năm, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, vẫn còn đó những dấu tích ghi tạc võ công oanh liệt: “An Khê có núi Hòn Cong/Có rừng Hãnh Hót có dòng sông Ba/Đất trời mưa nắng thuận hòa /Là nơi tụ nghĩa của nhà Tây Sơn…”.
Nối tiếp truyền thống yêu nước quật cường của tiền nhân, suốt dọc dài hai cuộc kháng chiến, quân và dân các dân tộc An Khê đã dũng cảm chịu đựng muôn vàn hy sinh gian khổ, đương đầu với đủ sắc lính của những đội quân xâm lược nhà nghề, lập nên nhiều chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
36.500 ngày của một đô thị trẻ
Sau khi chia tách huyện Đăk Pơ, ngày 9.12.2003, thị xã An khê được thành lập gồm 11 đơn vị hành chính với dân số hơn 65.000 người. Trở thành thị xã là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn của Đảng bộ và chính quyền. Với vị trí là cửa ngõ các tỉnh Bắc Tây Nguyên, An Khê được định hướng là vùng động lực kinh tế phía Đông của tỉnh Gia Lai… 28 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau những năm thực hiện công cuộc đổi mới, diện mạo kinh tế - xã hội An Khê đến thời điểm này đã có những bước phát triển cơ bản.
Đường Quang Trung của thị xã An Khê hôm nay.
Từ một vùng đất ra khỏi chiến tranh với những tàn tích nặng nề, kinh tế chủ yếu là dịch vụ buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp phân tán, An Khê đã bước sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính chuyên canh; thương mại, dịch vụ đã vươn ra khỏi quy mô gia đình nhỏ lẻ; bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc với cơ sở hạ tầng được đầu tư bước đầu… Tuy nhiên về cơ bản, An Khê vẫn là huyện kinh tế chưa phát triển. Nông nghiệp còn chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn – nhất là vùng đồng bào dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội còn nhiều phức tạp…
Tròn 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ thị xã, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng lòng chung sức của đồng bào các dân tộc, An Khê đã có bước phát triển toàn diện, từng bước khẳng định là trung tâm kinh tế - thương mại, là vùng kinh tế động lực phía Đông Gia Lai…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước nhiều năm không thuận lợi, An Khê vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao: Bình quân giai đoạn 2004 – 2013 tăng 14,5%. Năm 2013 tổng giá trị sản xuất đã đạt 2.606 tỷ đồng – gấp hơn 5,6 lần so với năm 2004. Từ một nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế thị xã đã có sự chuyển dịch tích cực với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm hơn 62%, giá trị sản lượng đạt 725 tỷ đồng – tăng 2,4 lần so với năm 2004. Thương mại, dịch vụ chiếm gần 25% và đang tiếp tục chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế.
Từ một vùng đất ra khỏi chiến tranh với những tàn tích nặng nề, kinh tế chủ yếu là dịch vụ buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp phân tán, An Khê đã bước sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính chuyên canh; thương mại, dịch vụ, vươn ra khỏi quy mô gia đình nhỏ lẻ; bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc với cơ sở hạ tầng được đầu tư bước đầu…
|
Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những bước phát triển tích cực với việc hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh – nhất là nguyên liệu mía; hình thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng công nghệ cao… Hiệu quả tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 năm qua đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất của người dân thị xã: Bình quân thu nhập đầu người đã đạt trên 26,5 triệu đồng/ năm – tăng 3,68 lần so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,45%...
Kinh tế phát triển, bộ mặt đô thị từng ngày khởi sắc với diện mạo trẻ trung. Đường Quang Trung không khí sầm uất không kém gì những đường phố lớn của thành phố Plei Ku. Và không chỉ khu vực trung tâm, các khu vực ngoại vi cũng mang diện mạo mới với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ: Giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh, nước sinh hoạt… Vùng nông thôn, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã có bước phát triển khá toàn diện: Đã có 4 xã hoàn thành 9/19 tiêu chí; 1 xã hoàn thành 6 tiêu chí…
Song song với sự cải thiện đời sống vật chất, người dân thị xã đã được thừa hưởng nhiều thành quả của sự nghiệp phát triển giáo dục và y tế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững…
Tầm nhìn phố núi 2020
Tròn 10 năm – một chặng đường rất ngắn so với lịch sử một vùng đất, An Khê đã hóa phố với những thành tựu phát triển rất đáng tự hào… Tuy nhiên với tầm nhìn chiến lược nhạy bén, Đảng bộ và chính quyền thị xã cho rằng sức phát triển của An Khê vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một vùng đất. Sức lan tỏa trong vai trò là một đô thị động lực chỉ mới bước đầu…
Để huy động triệt để mọi nguồn lực, lợi thế; thực sự giữ vai trò là vùng kinh tế động lực theo tinh thần Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, năm 2013 thị xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tầm nhìn đến năm 2020 với những chỉ tiêu cơ bản: Từ nay đến năm 2015 phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,18%.
Công nghiệp – xây dựng chiếm trên 62% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2015 đạt hơn 870 tỷ đồng; năm 2020 đạt trên 1.600 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo lấp đầy 80% diện tích Khu công nghiệp An Bình; từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho Khu công nghiệp Song An… Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hình thành vững chắc các vùng nguyên liệu chuyên canh với hai loại cây trồng chủ lực là mía và sắn – trong đó diện tích mía đạt 3.200ha với sản lượng hàng năm trên 227.000 tấn…
Từ nay đến năm 2015, An Khê phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,18%. Công nghiệp – xây dựng chiếm trên 62% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2015 đạt hơn 870 tỷ đồng; năm 2020 đạt trên 1.600 tỷ đồng.
|
Cùng với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông – lâm nghiệp, thị xã chú trọng tăng nhanh giá trị ngành thương mại – dịch vụ - nhất là tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào ngành du lịch. An Khê có những thắng cảnh khá nổi tiếng như hồ Bến Tuyết, đèo An Khê. Nếu được đầu tư, đây sẽ là những khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng khá lý tưởng.
Đặc biệt với Tây Sơn thượng đạo – khu di tích lịch sử khởi nguồn những võ công oanh liệt của phong trào Tây Sơn, nếu được đầu tư xứng tầm sẽ là một địa chỉ thu hút khách tham quan, nhân lên niềm tự hào về truyền thống quật cường của một miền đất…
Đến với An Khê hôm nay, những ai đã từng có dịp biết đến miền đất này - dù chỉ với một khoảng lùi hơn mươi năm trước - hẳn đã không khỏi cảm giác ngỡ ngàng… Từ một tụ điểm dân cư nhỏ bé, một quãng nhà mang dáng dấp phố thị bám theo Quốc lộ 19, An Khê hôm nay đã là một đô thị đích thực – một đô thị căng đầy sức trẻ cả từng con ngõ nhỏ…
Sẽ còn không ít những khó khăn phía trước nhưng với sức trẻ ấy, người ta cũng đủ hình dung tầm vóc mai này của một phố núi nơi cửa ngõ vùng Bắc Tây Nguyên… Sẽ không chỉ là một đô thị hiện đại đứng vững trên nền tảng của một kết cấu kinh tế - xã hội vững chắc, An Khê sẽ còn là một đô thị của trầm tích lịch sử - văn hóa. Trầm tích ấy cùng với những giá trị sống hiện đại sẽ như đôi dòng hải lưu ấm dạt dào dưới bước chân mỗi du khách đến với miền đất An Khê…
Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.