Thiên tình sử của công chúa triều Nguyễn với thiền sư và cái kết bi ai

Huyền Trang Thứ ba, ngày 11/01/2022 20:31 PM (GMT+7)
Vô tình thương thầm thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh - vị công chúa thứ ba của vua Nguyễn Ánh, tìm mọi cách để được ở bên người yêu, dẫn đến cái kết bi thảm.
Bình luận 0

Nổi tiếng bởi tài hoa hiếm có, am hiểu Phật học

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ, công chúa Ngọc Anh đã bộc lộ sự am hiểu về Phật giáo, chịu khó ăn chay trường, chăm chỉ đi chùa và tụng kinh niệm Phật. Những năm tháng chiến tranh, công chúa cùng vua cha từng có thời gian tạm lánh tại chùa Đại Giác, sau đó nàng xin Nguyễn Ánh được xuất gia, ẩn mình tại nơi này.

Thiên tình sử của công chúa triều Nguyễn với thiền sư và cái kết bi ai - Ảnh 1.

Chùa Đại Giác ngày nay - nơi công chúa Ngọc Anh từng ẩn mình, ăn chay niệm Phật. (Ảnh: Báo Công an TP.HCM).

Thời điểm nhà Tây Sơn thua cuộc, Nguyễn Ánh lên ngôi, triệu hồi công chúa Ngọc Anh về kinh thành. Không thể làm trái, bà liền lên đường về kinh đô tại Huế, trong lòng vẫn lưu luyến cuộc sống nơi cửa Phật. Dù sở hữu nhan sắc xinh đẹp, nhưng công chúa Ngọc Anh nguyện không lập gia đình, thành tâm niệm Phật tại phủ riêng. Tuy nhiên, số trời đã định, công chúa vẫn không thể thoát khỏi một chữ "tình".

Mối tình đơn phương vừa gặp đã yêu

Thuở bấy giờ, đất phương Nam nổi tiếng có vị thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành. Không rõ thiền sư sinh năm bao nhiêu nhưng sự uyên bác, đức độ của ông khiến người dân khu vực vô cùng kính nể. Theo ghi chép của sử sách, ngài có gương mặt phúc hậu, tuấn tú, dáng người cao to, mang vẻ oai nghiêm và đĩnh đạc.

Vào thời điểm vua Minh Mạng kế vị, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được lệnh chuyển về kinh đô Huế để giảng dạy Phật pháp cho giới hoàng tộc. Ngay lần đầu gặp mặt, công chúa Ngọc Anh đã nảy sinh tình cảm, đề nghị nhà sư phá giới, nên duyên cùng mình.

Thiên tình sử của công chúa triều Nguyễn với thiền sư và cái kết bi ai - Ảnh 2.

Dù bị cự tuyệt, vị Hoàng nữ của Nguyễn Ánh vẫn quyết không dừng tình cảm của mình. (Ảnh minh hoạ: Pinterest).

Báo Thanh Niên cho hay, khi biết đến tình cảm của đối phương, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành vô cùng khổ tâm, cố gắng giảng giải để công chúa sớm tỉnh ngộ, không bị sa vào mối tình oan trái. Dù vậy, sự si tình của công chúa vẫn không được hoá giải. Nhận rõ sự tình, nhà sư liền xin về Gia Định làm trụ trì của chùa Từ Ân, để lại công chúa không thiết ăn ngủ, ngày đêm thương nhớ. Cuối cùng, công chúa tìm cách chuyển đến chùa Tư Ân, với hy vọng được gặp lại thiền sư.

Kết thúc bi thương

Trái ngược với tâm thế mong chờ của công chúa, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành quyết định cự tuyệt, nhập thất trong hai năm tại chùa Đại Giác. Quyết không bỏ cuộc, công chúa Ngọc Anh đến nơi ở mới của ngài, quỳ trước tịnh thất nhiều ngày nhưng đối phương vẫn không chịu gặp.

Cuối cùng, công chúa xin cho nàng được thấy bàn tay, sau đó sẽ không quấy rầy thêm nữa. Cảm động trước tấm lòng này, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đồng ý lời yêu cầu. Lúc này, vị công chúa hoàng tộc liền nắm lấy đôi tay, vừa hôn vừa khóc nức nở.

Thiên tình sử của công chúa triều Nguyễn với thiền sư và cái kết bi ai - Ảnh 3.

Công chúa dằn vặt trước sự qua đời của thiền sư, liền từ bỏ cuộc sống sau đó ít ngày. (Ảnh minh hoạ: Songhuong).

Đêm cùng ngày, khi cả chùa Đại Giác đang say giấc, tịnh thất của thiền sư bất ngờ bốc cháy dữ dội, khiến nhục thân của ngài bị ngọn lửa thiêu rụi. Lễ nhập thất của thiền sư kết thúc, công chúa Ngọc Anh nhớ thương trong ba ngày, cuối cùng uống thuốc để kết thúc cuộc đời cũng như mối tình ngang trái.

Có thể thấy, những người phụ nữ xưa, nhất là các Hoàng nữ sinh ra và lớn lên trong chốn cung đình, không phải ai cũng có được mối tình viên mãn, hạnh phúc. Câu chuyện về mối nghiệt duyên đầy xót xa, bi kịch của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh chính là một minh chứng như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem