Thiệt hại 2.000 tỷ đồng vì nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Thiệt hại 2.000 tỷ đồng vì nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Hải Đăng
Thứ hai, ngày 18/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển.
Trước dự báo nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, vừa đảm bảo đủ thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Dịch bệnh gây thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng
Cục Thú y lưu ý các tỉnh, thành phố cần tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh...
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển.
Tuy nhiên, một số dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm… còn xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế trên 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, đối với dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 5/10, cả nước đã xảy ra 1.834 ổ dịch tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 112.092 con (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020). Tổng trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn. Hiện nay, cả nước có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; tổng số lợn tiêu hủy là 40.719 con.
Đối với dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến 5/10, cả nước đã xảy ra 100 xã có dịch thuộc 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 377.105 con gia cầm. Có 3 chủng virus cúm gia cầm lưu hành, bao gồm: A/H5N1 (xảy ra ở 3 tỉnh phía Nam); A/H5N6 (xảy ra ở 23 tỉnh, thành phố).
Đặc biệt từ giữa tháng 6/2021 xuất hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 10 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 23.446 con gia cầm. Hiện nay, cả nước có 2 ổ cúm gia cầm A/H5N8 tại tỉnh Lạng Sơn chưa qua 21 ngày. Số gia cầm bị tiêu hủy là 195 con.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, từ đầu năm đến 5/10, cả nước đã xảy ra 4.218 ổ dịch tại 448 huyện của 55 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 197.137 con, số đã tiêu hủy 27.507 con. Hiện, cả nước có 714 ổ dịch tại 150 huyện của 30 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; tổng số gia súc mắc bệnh là 50.951 con, đã tiêu hủy là 5.704 con.
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám Sở NNPTNT tỉnh cho hay: Vừa qua dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ và đến nay cơ bản đã được kiểm soát. Nhất là bệnh viêm da nổi cục trâu bò được tiêm phòng vaccine đạt tỷ lệ 96% diện tiêm, không để lây lan dịch bệnh.
Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ NNPTNT tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ: Người tiêm phòng vaccine và người trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh động vật như tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, trực chốt phòng chống dịch nhằm đảm bảo nhiệm công tác phòng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả hơn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Vũ Văn Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thu y Hà Nội cho hay: Xác định mục tiêu không để "dịch chồng dịch", bên cạnh việc triển khai xây dựng kế hoạch tiêm phòng, thử trùng tiêu độc, hướng dẫn cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật... Hà Nội còn chủ động lấy mẫu giám sát để dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy nhiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi...
Cùng với đó, Hà Nội còn thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá tỷ lệ bảo hộ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đến nay, với tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu trâu, bò và có thể số lượng vật nuôi sẽ còn tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn...
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại các tỉnh, thành vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao.
Để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo các tỉnh, thành phố bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại...
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
Ngoài ra, các tỉnh, thành cần chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.