Đủ thứ dịch bệnh xuất hiện, chỉ có chăn nuôi an toàn sinh học đàn lợn, gà mới được bảo vệ

Trần Quang Thứ bảy, ngày 02/10/2021 14:00 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông@ nông nghiệp trực tuyến "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.
Bình luận 0

An toàn sinh học - giải pháp then chốt trong chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đến nay, tổng đàn lợn cả nước khoảng 26,67 triệu con, tăng 4,5%; đàn gia cầm 515 triệu con ước tăng 5,4%; đàn bò thịt trên 6,3 triệu con, tăng khoảng 1,8%; đàn bò sữa trên 331.000 con; đàn dê cừu trên 2,8 triệu con; riêng đàn trâu 2,4 triệu con giảm 3,8%...

Theo kế hoạch sản xuất năm 2021, sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn, sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả, sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn. 

Dự kiến sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 khoảng 21,48 triệu tấn, tăng khoảng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng vẫn còn xảy ra và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi là hết sức cấp bách và là then chốt để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Áp dụng an toàn sinh học giúp chăn nuôi vượt đại dịch - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

Từ năm 2015-2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với tổ chức FAO tại Việt Nam triển khai dự án FPT2 với nội dung là các hoạt động hướng dẫn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Dự án đã tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y người chăn nuôi 48 lớp tập huấn cho 1.100 cán bộ khuyến nông, thú y viên và người chăn nuôi về các kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học...

Bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Chăn nuôi - thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011-2021, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang triển khai thực hiện 70 dự án khuyến nông chăn nuôi từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, các mô hình dự án triển khai đã được đánh giá cao về hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, hệ thống khuyến nông đã triển khai 13 dự án mô hình chăn nuôi ATSH, trong đó trên lợn 5 dự án, gia cầm và thủy cầm 8 dự án. 

Các mô hình, dự án chăn nuôi ATSH đều không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán đạt tỷ lệ từ 94 - 96%, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt và vượt chỉ tiêu của giống, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp, tỷ lệ đồng đều cao.

Về vùng an toàn dịch bệnh, trong 10 năm qua, trung tâm đã thực hiện 4 dự án về mạng lưới thú y, trong đó 1 dự án xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã; 1 dự án phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho vật nuôi và 2 dự án an toàn dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi là lợn và gia cầm.

Kết quả đạt 100% cơ sở tham gia mô hình không xảy ra dịch bệnh, đến nay đã thực hiện công nhận được 162 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn và gà tại 8 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa -Vũng Tàu)...

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện ATSH trong chăn nuôi lợn, ông Đoàn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý sức khỏe vật nuôi (Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) cho hay: CP tập trung vào 5 lĩnh vực chính để kiểm soát vấn đề dịch bệnh, gồm: Vấn đề về chuồng trại, nguồn nước; vệ sinh phương tiện vận chuyển; kiểm soát vấn đề vật trung gian truyền bệnh; vấn đề con người; thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. 

Riêng đối với nguồn nước, CP không sử dụng nước bề mặt (vì nguồn nước này có nguy cơ ô nhiễm và có mầm bệnh) mà luôn sử dụng nguồn nước sạch và được xử lý cẩn thận trước 2 giờ mới cung cấp cho lợn trong trang trại uống.

Các chính sách hỗ trợ cần phù hợp với các cấp độ

Áp dụng an toàn sinh học giúp chăn nuôi vượt đại dịch - Ảnh 3.

Chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Tô Hiến Thành ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng cần biên tập lại quy trình chăn nuôi ATSH đơn giản hơn, dễ học hơn, dễ quản lý hơn. Viện Chăn nuôi nên tiếp cận với các đối tượng vật nuôi khác và có các quy trình với đặc thù với loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi.

"Các doanh nghiệp có áp dụng quy trình ATSH nên chủ động phổ cập cho người chăn nuôi ở các cấp độ. Địa phương cũng tăng cường truyền truyền, các chính sách hỗ trợ cũng nên gắn với chăn nuôi an ATSH nhưng cũng phải ở cấp độ khác nhau" - ông Dương nói.

Kết luận diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời điểm này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, gia súc, gia cầm dễ bị bệnh vì vậy giải pháp ATSH là rất quan trọng.

Theo đó, TS Hạnh kiến nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm xây dựng các định mức kỹ thuật liên quan đến các cơ sở ATSH, an toàn dịch bệnh theo các đơn vị vật nuôi như trang trại lớn, trang trại vừa, quy mô nông hộ. 

Yêu cầu hệ thống khuyến nông tại các địa phương tiếp tục có các giải pháp cùng các cơ quan liên quan phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; đồng thời tổ chức các diễn đàn, hội nghị online để hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăn nuôi an toàn và hiệu quả trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem