Thiệt hại chưa dừng ở 1 triệu “đô”

Thứ tư, ngày 22/09/2010 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 500 container hàng thực phẩm bị tắc tại cảng Cát Lái do một thông tư mới ban hành của Bộ NN&PTNT Đến nay thiệt hại đã hơn 1 triệu USD và dự báo sắp tới cảng Cát Lái sẽ còn tắc nhiều hơn nữa...
Bình luận 0

Gỡ cái này…

Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI cho biết, tính đến ngày 20-9, số container được thông quan tại cảng Cát Lái trong vụ 500 container ách tắc tại đây từ ngày 1-9 là 100 container, tức chỉ khoảng 20%.

img
Các container hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái

"Đó là chúng tôi đã làm hết sức mình. Vì mãi đến ngày 10-9, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 53 quy định rõ Cục Thú y là đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu (đây chính là nguyên nhân gây tắc hàng tại cảng trong thời gian qua - PV). Sau đó chúng tôi mới được nhận mẫu giấy chứng nhận 23a để chứng nhận cho cả 2 yêu cầu: Kiểm dịch và ATVSTP thay cho mẫu 23 trước đó chỉ chứng nhận một yêu cầu kiểm dịch" - ông Bình giải thích.

Thông tư 53 cũng ra quy định tương tự đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Cục Thú y cũng sẽ gộp chung kiểm dịch và ATVSTP vào một mẫu giấy mới 7a để cấp cho doanh nghiệp (DN) thay cho mẫu số 7 trước đây chỉ xác nhận kiểm dịch. Bên cạnh đó, đối với giấy phép nhập khẩu, theo thông tư mới này, các DN chỉ cần chạy lên cơ quan thú y vùng để xin, chứ không phải lên tận Cục Thú y như trước nữa.

"Với quy định mới này, DN xin nhập khẩu nguyên liệu thủy sản sẽ được giải quyết giấy tờ rất nhanh, thời gian thẩm định để cấp giấy phép có thể chỉ trong một ngày. Việc thông quan chậm, lại do những nguyên nhân khác" - ông Bình cho biết.

...Tắc cái khác

Một trong những nguyên nhân khác, theo các DN chính là do giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công Thương. Ông Đoàn Ngọc Thơ - chủ một DN đang có 20 container hàng bị tắc tại cảng này, cho biết:

"Trong 20 container công ty ông bị tắc từ 1-9 đến giờ thì cho đến ngày 20-9, đã thông quan được 7 container. Giải phóng được ra khỏi cảng thì lại tiếp tục tắc cái khác. Vì theo Thông tư 25, để có thể đem số thịt nhập khẩu đó ra tiêu thụ thì DN phải có thêm giấy phép tiêu thụ. Mà giấy này đến nay chúng tôi vẫn chưa biết đơn vị nào cấp. Hỏi Cục Thú y thì họ nói không phải trách nhiệm…" - ông Thơ bức xúc.

Theo quy định của các cảng biển Việt Nam, nếu các loại container lưu tại cảng để làm chờ làm thủ tục giấy tờ trước khi xuất cảng, chủ doanh nghiệp có container phải trả tiền lưu kho và tiền điện tính bình quân một container 40 feet/ngày là 60 USD, loại 20 feet là 30 USD. Sau 3 ngày nếu doanh nghiệp không lấy hàng về thì phải trả phí vào ngày thứ 4 là 30 USD/container 20 feet và 50 USD cho container 40 feet/ngày.

Thêm vào đó, ông Bình cũng dự báo sắp tới cảng Cát Lái sẽ còn tắc nhiều hơn nữa.

Bởi theo Thông tư 25, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ động vật (trên cạn lẫn dưới nước), nhập vào để tiêu thụ trong nước, bắt đầu từ ngày 1-9, phải có giấy chứng nhận ATVSTP do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) của Bộ NN&PTNT cấp cho các DN nước ngoài.

Trong khi để có được giấy chứng nhận này, chính quyền sở tại của các DN có hàng xuất vào VN phải cung cấp danh sách các DN này, sau đó Nafiqad xem xét, kiểm tra, đủ chất lượng và ATVSTP mới cấp giấy chứng nhận cho phép nhập vào VN.

Đến nay, trên website của Nafiqad chỉ mới có 14 nước đăng ký, so với hàng trăm nước có hàng thực phẩm nông sản nhập khẩu vào VN. "500 container này chỉ mới là hàng xuất cảng trước ngày 1-9 nên chưa bị vướng thủ tục này, còn bao nhiêu container xuất sau ngày 1-9 đang lênh đênh trên biển thì chưa ai thống kê được" - ông Bình nói.

Thiệt hại DN gánh hết

Theo quy định của các cảng biển VN, hàng càng để lâu ở cảng, chi phí lưu kho bãi và tiền điện càng tăng do nó được tính theo cấp số nhân theo số ngày. Theo tính toán của các DN, trong 10 - 15 ngày đầu, chi phí bình quân để lưu cảng cho mỗi container là 100 USD/ngày.

Như vậy 500 container tắc tại cảng Cát Lái 20 ngày qua là 1 triệu USD. "Nhưng nếu tắc 1 tháng, theo cấp số nhân, số tiền này nếu tính bình quân ra lại lên đến 200 USD/ngày " - ông Thơ cho biết. 400 container còn lại chỉ cần các cơ quan hữu quan giải phóng chậm 1 ngày, chi phí này sẽ tăng thêm là 80.000 USD. Chậm 10 ngày, con số này sẽ là 800.000 USD.

Thế nhưng điều bất hợp lý ở đây là tất cả những thiệt hại này DN phải gánh hết. Nhiều DN than rằng đến giờ họ chẳng còn thiết muốn lấy hàng ra khỏi cảng vì "khi cầm hóa đơn tiền lưu kho và tiền điện lưu cảng lên, nó còn đắt hơn cả giá trị tiền hàng của container đó thì lấy về làm gì" - một doanh nghiệp giải thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem