Tắc hàng tại cảng
Từ 1-9, kể từ khi Thông tư 25 có hiệu lực, tất cả các container hàng đông lạnh khi về đến cảng Cát Lái (TP.HCM) đã bị ách lại không thể thông quan. Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, cho đến ngày hôm qua, số lượng ách lại này đã lên tới trên 500 container tương đương 12.500 tấn gồm thủy sản và thịt.
|
Hàng thực phẩm đông lạnh đang bị tắc tại cảng Cái Lái. |
Ở các cảng khác, mỗi cảng cũng bị kẹt lại vài chục container. Nguyên nhân các container không thể thông quan là do các DN nhập khẩu nguyên liệu chế biến các sản phẩm này không xuất trình được giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo quy định mới ban hành của Thông tư 25.
Ông Đỗ Hà Nam - Giám đốc Công ty XNK Intimex (TP.HCM) cho biết, công ty ông đang bị giam 15 container thực phẩm đông lạnh tại cảng Cát Lái. "Hiện mỗi ngày Intimex mất tới 1.500 USD chi phí lưu kho bãi, điện chạy giữ lạnh. Nếu tình trạng này kéo dài DN sẽ thiệt hại rất nghiêm trọng".
Một DN chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh tại TP.HCM khác cũng cho biết 2 tuần qua, hơn 20 container thịt đông lạnh của DN ông không thông quan được: "Mỗi ngày chúng tôi mất khoảng 40 triệu đồng tiền điện, tiền lưu bãi...".
Nếu tính bình quân 100 USD/container tiền chi phí lưu bãi, điện giữ lạnh, thì chỉ riêng 500 container bị ách tại cảng Cát Lái mỗi ngày tổng số tiền các DN phải chi cho cảng lên tới 50.000 USD. Ngoài ra chưa kể thiệt hại từ việc đối tác phạt hợp đồng do giao hàng trễ, thị trường biến động...
Thông tư 25 quy định nước xuất khẩu phải cung cấp danh sách đơn vị sản xuất để cơ quan chức năng VN kiểm tra chứng nhận; phải có giấy chứng nhận ATVSTP của cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Ngoài ra, DN còn phải có thêm giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận ATVSTP do cơ quan thẩm quyền VN cấp... Thế nhưng cụ thể là cơ quan thẩm quyền nào của VN cấp thì thông tư không ghi rõ.
"Chúng tôi chạy hỏi khắp nơi. Nhưng hiện không có một cơ quan hữu quan nào chịu cấp cái giấy này thì làm sao chúng tôi có?" - ông Nam truy vấn.
Chỉ mới "gỡ" cho thủy sản
Ngày hôm qua (9-9), Bộ NN&PTNT thông báo đã ban hành Thông tư 51 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2010 và Thông tư 06/2010. Theo đó, hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu không bắt buộc phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư 25, tức là không cần phải có giấy chứng nhận ATVSTP như đã nói ở trên nữa.
Thông tư 51, theo đánh giá của các DN, ra đời là nhằm gỡ khó cho các DN ngành thủy sản, còn các ngành khác, nhất là ngành thịt đông lạnh, vẫn chịu ảnh hưởng.
Thế nhưng theo nhận định của ông Mai Văn Hiệp - Cục phó Cục Thú y, thì hiện việc lấy mẫu kiểm tra kiểm dịch thú y các lô hàng thịt nhập khẩu đông lạnh cũng đã chính là kiểm tra ATVSTP. "Hai loại giấy này rõ ràng đang bị trùng lặp nhau một cách không cần thiết. Theo tôi nên bỏ hẳn giấy chứng nhận ATVSTP luôn" - ông Hiệp bày tỏ.
Trách nhiệm cấp giấy là của Nafiqad
Trả lời báo chí chiều 9-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói: Đối với những mặt hàng nhập khẩu vào để chế biến, gia công tái xuất khẩu như thủy sản, Bộ đã ra Thông tư 51 để điều chỉnh. Nhưng đối với các mặt hàng khác nhập khẩu vào có nguồn gốc động vật như heo, bò, gà,… để tiêu dùng trong nước thì nhất định chúng ta phải bảo đảm rằng nó chất lượng và ATVSTP.
Về cơ quan cấp giấy chứng nhận ATVSTP, ông Phượng khẳng định: Đây chính là trách nhiệm của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad). Điều này đã ghi rõ tại mục 5, Điều 21 của Thông tư 25. Cụ thể về vụ 500 container đang ách tại cảng Cát Lái, trách nhiệm thuộc Nafiqad vùng IV phải xuống ngay cảng lấy mẫu về kiểm tra, lô hàng nào đạt tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP thì phối hợp với bên hải quan linh hoạt cho xuất cảng ngay. Còn sau 500 container này, bất cứ container hàng nông sản nhập khẩu nào có nguồn gốc động vật nhập vào để tiêu dùng trong nước bắt buộc phải có giấy tờ đầy đủ theo đúng quy định của Thông tư 25.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.