Kêu oan cho chồng đau lắm, cực lắm!
Mỗi lần nhắc đến câu chuyện đi kêu oan cho chồng, bà Hoàng Thị Vui (SN 1963) ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đều nghẹn ngào, nước mắt chực trào ra. Chồng bà là ông Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Công chứng số 3 Sở Tư pháp tỉnh BR-VT, người bị khởi tố oan (năm 2004). Sau đó do quá sốc ông Hải đã bị tâm thần, rồi tự tử. Người đàn ông này qua đời mà chưa được minh oan, khiến người vợ đằng đẵng 8 năm đi kêu oan thay.
"Ngày 18.4.2014, đại diện Viện KSND tỉnh BR -VT đã công khai xin lỗi gia đình tôi. Sau đó tôi có gửi đơn yêu cầu bồi thường, việc này hiện đã được thụ lý" - bà Vui cho biết.
Hành trình kêu oan cho ông Chấn (áo đen) có sự trợ giúp đắc lực cả về tinh thân và vật chất từ 3 người thân (từ trái qua) là bà Hải, bà Chiến và ông Hoạt. Ảnh: Xuân Lực
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư pháp, bà Vui nhận định: "Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn sơ sài, chưa bao quát. Theo Luật, người bị thiệt hại chết thì người thừa kế yêu cầu bồi thường, tôi là người thừa kế sau có nhận được khoản bồi thường thì đó chỉ là phần của chồng tôi. Khi chồng bị khởi tố oan, rồi mắc bệnh, tôi phải nghỉ việc giảng dạy ở trường Chính trị, rồi mất 8 năm đi gõ cửa khắp các cơ quan để kêu oan cho chồng. Bao nhiêu lần lặn lội từ BR -VT ra Hà Nội tìm đến Viện KSND Tối cao, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật... Những thiệt hại đó là rất rõ nhưng chẳng có cơ sở pháp lý nào để tôi được bồi thường".
“Kêu oan cho chồng cực lắm, đau lắm, chú ạ”, bà Vui than.
Nói đến hành trình kêu oan cho chồng không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Chiến vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang - người bị tù oan 10 năm). Kể từ ngày chồng vướng vào lao lý, người phụ nữ này phải đội đơn lên tỉnh, rồi ra Hà Nội suốt 10 năm kêu oan thay chồng.
Trong hành trình đằng đẵng đó bà Chiến nhận được sự giúp đỡ của ông Thân Ngọc Hoạt (anh đồng hao ông Chấn), bà Thân Thị Hải (chị ông Hoạt). Ông Hoạt (người được ông Chấn ủy quyền giúp đòi bồi thường) cho biết, ông Chấn đang yêu cầu TAND Tối cao bồi thường thiệt hại hơn 9,3 tỷ đồng.
Trong khoản tiền này có tính cả những thiệt hại của bà Chiến, ông Hoạt và bà Hải trong quá trình kêu oan cho ông Chấn. Tuy nhiên khoản tiền này có được xem xét bồi thường không thì vẫn phải chờ.
Thiệt hại phát sinh từ án oan
Ông Kim Hol (anh ruột ông Kim Lắc, 41 tuổi, ngụ ấp Đầu Giồng, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, người bị buộc tội oan trong vụ án “giết người” và “hiếp dâm”, năm 1999 bị tuyên án tử hình) vẫn chưa thể quên được những năm tháng đoạn trường kêu oan cho em. “Tôi phải bán hết đất hương hỏa để ra Hà Nội 9 lần, kêu oan cho em” - ông Kim Hol nói.
Sau nhiều lần đội đơn kêu oan cho em từ Nam ra Bắc, đến tháng 12.2000, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Năm 2001 vụ án được điều tra lại nhưng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ nguyên cáo trạng như ban đầu. Thế là hành trình kêu oan của ông Kim Hol lại tiếp tục.
Tháng 5.2007, Công an tỉnh Sóc Trăng mới có quyết định đình chỉ điều tra các bị can. Sau đó, Kim Lắc với 2 người bạn ủy quyền cho ông Kim Hol yêu cầu được bồi thường oan sai. Cuối năm 2007 TAND tỉnh Sóc Trăng đồng ý bồi thường mỗi người hơn 150 triệu đồng và xin lỗi công khai.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay: Hiện nay Luật mới chỉ quy định bồi thường thiệt hại cho người trực tiếp bị oan sai, nhưng trong thực tế người bị oan sai lại phát sinh ra rất nhiều thiệt hại liên quan như người thân đi thăm nom, giúp kêu oan.
"Thiệt hại này là gián tiếp nhưng có liên quan trực tiếp đến người oan sai. Tất cả cần phải được tính toán, bồi thường" - ông Cường nêu quan điểm.
Cũng theo ông Cường, việc đòi bồi thường oan sai vẫn được coi như vụ kiện dân sự, buộc đương sự phải tự chứng minh nên gây khó khăn. Chính vì thế, trình tự thủ tục giấy tờ, tài liệu chứng minh cần phải đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên cũng đảm bảo phải chặt chẽ nếu không tự nhiên nhà nước mất khoản tiền không hợp lý.
Của cải trong ngôi nhà vốn khá giả thay nhau đội nón ra đi theo những chuyến kêu oan của bà Chiến. Rồi bệnh tật ập xuống, bà Chiến phải vay người thân, ngân hàng để có tiền chữa bệnh, tiếp tục hành trình kêu oan cho chồng.
LS Ngô Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Luật hình sự (ĐH Luật Hà Nội): Quy định cứng nhắc làm người dân thêm khổ
Quy định bồi thường cho người bị oan sai có nhiều khâu gây khó cho người có yêu cầu bồi thường, nào là cần hóa đơn, chứng từ, tài liệu... Khi đi kêu oan người dân chỉ mong được giải oan chứ có ai nghĩ việc sau này được bồi thường mà lưu lại những thứ đó.
Vấn đề này Nhà nước phải tính toán làm sao cho "thoáng", bởi người bị oan sai đã thiệt thòi đủ thứ, nếu cứ quy định cứng nhắc thì họ lại càng thêm khổ. Nhiều trường hợp người án oan phải ngồi tù, người thân của họ phải bỏ thời gian, bỏ công việc làm ăn để đi kêu oan. Thiệt hại này được xem là thiệt hại phát sinh, cũng cần phải được xem xét bồi thường trong luật.
GS - TS Lê Hồng Hạnh - nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp): Công lý chỉ mang tính tương đối
Luật chỉ tính thiệt hại thực tế xảy ra đối với người bị oan sai. Đương nhiên khi một người bị oan sai thì cả gia đình, cả dòng họ và cả cộng đồng đều bị tổn hại cả. Nếu mà gỡ hết tất cả các khâu thì không thể làm được ngay.
Hơn nữa công lý chỉ mang tính đương đối. Việc một người kêu oan cho người thân, ví dụ như bà Nguyễn Thị Chiến kêu oan cho chồng là ông Nguyễn Thanh Chấn, nhưng không chỉ có một mình bà mà có nhiều người giúp. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc. Nếu tất cả cùng đòi bồi thường thì nhà nước làm sao giải quyết được?
Ngọc Lương (ghi)
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng): Mới chỉ tính hỗ trợ một phần
Theo luật sư Lê Cao, trên thực tế hiện nay những người thân của người bị oan sai thường phải bỏ ra các chi phí rất lớn như chi phí đi lại, lưu trú, chịu thiệt hại do bị mất thu nhập do phải theo các vụ kiện kéo dài, có trường hợp hàng chục năm, mất các cơ hội làm việc, phát triển sự nghiệp…
Pháp luật hiện hành cũng quy định về việc xác định thiệt hại về vật chất của người chăm sóc người bị thiệt hại (do oan sai) trong tố tụng hình sự, theo đó tại khoản 3, khoản 4 Điều 49 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định các chi phí được bồi thường là: Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo luật sư Cao, quy định nói trên được hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT, chi tiết như sau: Người bị thiệt hại chỉ được bồi thường chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại nếu việc chăm sóc đó là cần thiết hoặc do cơ sở y tế yêu cầu; Các chi phí hợp lý của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi phát sinh việc chi phí. Như vậy, với các quy định nói trên thì luật mới nghĩ đến người thân của người bị oan sai ở khía cạnh những người này phải chăm sóc cho người oan sai bị thiệt hại. Trong khi đó những thiệt hại về việc theo đuổi khiếu nại, kêu cứu, tố cáo triền miên, tốn kém rất nhiều tiền của họ lại chưa được tính đến.
Thắng Quang (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.