Hành trình gian nan đòi bồi thường án oan sai

An Tân - Hoàng Hạnh - Lương Kết Thứ sáu, ngày 13/03/2015 14:00 PM (GMT+7)
"Nhà nước làm gì thì làm dứt điểm chứ cứ anh này đổ cho anh kia khiến người bị án oan như tôi đã khổ 1, nay đòi bồi thường còn khổ gấp 2" - ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình, một người bị án oan) than vãn.
Bình luận 0

Được minh oan vẫn chưa hết khổ

Nhắc đến chuyện đòi bồi thường, ông Phạm Đức Bình (SN 1956 - người bị TAND TP.Hà Nội kết án 30 tháng tù về tội “tham ô” và “sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa” vào năm 2000) ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không khỏi ngán ngẩm. Sau khi được TAND Tối cao tuyên vô tội vào năm 2001, mãi đến tháng 4.2014, ông Bình mới được xin lỗi công khai.

Sau đó ông Bình làm việc với TAND TP.Hà Nội để đòi bồi thường. "Tôi phải qua trụ sở TAND TP.Hà Nội rất nhiều lần để hỏi khoản tiền bồi thường. Đến tháng 11.2014, tôi nhận được quyết định của TAND TP.Hà Nội bồi thường cho tôi hơn 630 triệu đồng. Thế nhưng từ đó đến nay đã trải qua 4 tháng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào" - ông Bình than thở.

Trường hợp án oan Lương Ngọc Phi (Thái Bình) cũng không ít gian nan, chông gai. Năm 2013, sau 7 năm đi kiện ông Phi được TAND TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) tuyên TAND tỉnh Thái Bình - cơ quan đã kết oan ông Phi - phải bồi thường hơn 21,4 tỷ đồng. Hơn 1 năm sau, bản án dân sự trên bị tuyên hủy để xử lại.

"Nhà nước làm gì thì làm dứt điểm chứ cứ anh này đổ cho anh kia khiến người bị án oan như tôi đã khổ 1, nay đòi bồi thường còn khổ gấp 2" - ông Phi than vãn. Được biết vụ kiện của ông Phi đang được TAND TP.Thái Bình thụ lý để xét xử lại.

Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường

img
Bị hàm oan hàng chục năm ròng nhưng đến nay ông Lá  vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường. Ảnh: An Tân
Trong đợt giám sát tình hình án oan sai tại Long An vào cuối tháng 1.2015, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát hiện trường hợp ông Phan Văn Lá (SN 1967, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) bị oan ¼ thế kỷ nhưng chưa được bồi thường.

Theo hồ sơ, tối 21.7.1991 ở ấp 1, xã Hiệp Thạnh, Châu Thành bị mất điện. Người dân đi kiểm tra thì phát hiện có người bỏ chạy để lại hiện trường 68m dây điện vừa cắt.

Người dân tỏa ra đi tìm thì thấy em trai ông Lá là Phan Văn Châu (13 tuổi) đang nấp dưới bờ ruộng, cách đó 5m có 1 cái kìm. Khoảng 1 giờ sau, anh trai Châu là Phan Văn Tân (15 tuổi) đi xe đạp đến cũng bị bắt giữ. Lúc đầu Tân và Châu không thừa nhận, nhưng sau đó không hiểu sao lại khai đã cùng anh ruột là ông Lá cắt trộm số dây điện này.

Tháng 12.1991, TAND huyện Châu Thành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Phan Văn Lá 4 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng sau đó TAND tỉnh Long An lại hủy án... Sau đó ông Lá đã có đơn gửi đến các cơ quan công an, tòa án huyện Châu Thành yêu cầu được bồi thường oan hơn 493 triệu đồng và phải được công khai xin lỗi, nhưng các cơ quan tố tụng không xác định được ai sẽ bồi thường.

Tương lai mịt mù

Lúc bị bắt oan vì tội hiếp dâm trẻ em, Tô Phương Trọng (SN 1994, ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chỉ mới 14 tuổi. Đến khi được tuyên vô tội, Trọng 20 tuổi nhưng mất hết tương lai, giờ đây cũng đang gian nan đòi bồi thường.

Ngày 18.6.2010, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên phạt Trọng 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, buộc bồi thường cho bị hại tổng số tiền gần 4 triệu đồng. Sau đó, Trọng chống án, ngày 25.11.2010, TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Ngày 30.7.2013, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên Trọng không phạm tội “hiếp dâm trẻ em”. Đến ngày 13.5.2014, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm cũng tuyên Trọng không phạm tội “hiếp dâm trẻ em”.

Thoát án tù, Trọng làm đơn đòi bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng cho gần 6 năm tù oan. Tuy nhiên, đến nay chưa được Viện KSND tỉnh Cà Mau bồi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem