Thiệt hại hơn 1.600ha rừng, Cục Kiểm lâm nói nguyên nhân "do cháy rừng, không phải phá rừng"

Bình Minh Thứ sáu, ngày 29/09/2023 11:43 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ NNPTNT) cho biết, nguyên nhân diện tích rừng bị thiết hại 83% 9 tháng đầu năm 2023 là do tác động của El Nino, nắng nóng kéo dài.
Bình luận 0

Sáng 29/9, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo.

Tại cuộc họp, các phóng viên nêu câu hỏi: 9 tháng đầu năm 2023, hơn 1.600 ha rừng bị thiệt hại, tăng 83% (trong đó bị cháy 671,8 ha, gấp 27,4 lần và bị chặt, phá 922,21 ha, tăng 7%). Nguyên nhân có phải là do phá rừng?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm cho biết, thời điểm này cháy rừng trên 30 vụ, năm nay thời tiết ảnh hưởng rất nhiều bởi hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. "Từ tháng 7-9 có gió phơn Tây Nam rất khô, một tàn thuốc lá cũng có thể gây cháy rừng. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý", ông Thiện nói

Theo ông Thiện, người dân trong quá trình xử lý thực bì, trồng rừng mới, ruộng vườn, nương đã xảy ra tình trạng cháy rừng", ông Thiện nói.

Ông Thiện khẳng định: "Diện tích rừng bị thiệt hại 83% không phải do phá rừng mà là do cháy rừng".

Thiệt hại hơn 1.600ha rừng, Cục Kiểm lâm nói nguyên nhân "do cháy rừng, không phải phá rừng" - Ảnh 1.

9 tháng đầu năm 2023, thiệt hại hơn 1.600ha rừng, Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nguyên nhân do"cháy rừng, không phải phá rừng". Ảnh: Khánh Nguyên

Trong thời gian qua, Cục Kiểm lân cũng đã đưa ra cảnh báo, dự báo rất sớm trên các cơ quan truyền thông, bản tin hàng ngày và tuần trong thời điểm nắng nóng, để các địa phương nắm bắt, hạn chế người dân đốt lửa, xử lý thực bì.

"Trong 300 vụ cháy rừng thì hầu hết đều do cháy rừng, tuy nhiên khi phát hiện đều đã xử lý kịp thời. Diện tích cháy chủ yếu rừng trồng, trong đó cây thông", ông Thiện cho biết.

Liên quan đến câu hỏi, diện tích rừng bị thiệt hại 83% có ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai khi hiện nay tại miền Trung đang phải chống chọi với mưa lũ, bà Nguyễn Thị Thúy Ái, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khẳng định: "Nếu tỷ lệ che phủ rừng giảm sẽ gây ra thiên tai cục bộ. Tuy nhiên, nếu nói những đợt thiên tai vừa qua xảy ra do tỷ lệ rừng giảm thì chúng tôi chưa thấy sự liên kết rõ ràng".

Liên quan đến vấn đề chỉ tiêu phát triển rừng giảm 2,6% so với cùng kỳ, đại diện Cục Lâm nghiệp cho hay, Việt Nam là nước tỷ lệ che phủ rừng cao trên thế giới. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, giữ ổn định lâm phận 42-43%. Cho nên việc diện tích rừng sẽ không tăng mạnh. Giai đoạn sau này chủ yếu duy trì rừng trồng lại chứ không có trồng mới trên đất trống. So sánh năm nay với các năm trước đây sẽ luôn luôn thấp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem