Thiết kế tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch và du lịch

Vũ Quyền Thứ sáu, ngày 18/08/2023 18:44 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, cần quan tâm đến vấn đề tĩnh không, bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến việc bảo tồn văn hóa, lịch sử.
Bình luận 0

Ngày 18/8, tại TP.HCM, báo Nhân Dân tổ chức hội thảo "Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn".

Trong hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân cho hay, nhiều năm qua, TP.HCM đã khánh thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều công trình vượt sông Sài Gòn. Điều này đã mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông.

Hiện nay, phương án thiết kế của cầu Thủ Thiêm 4 đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, cầu dài hơn 2 km, có thiết kế tĩnh không thông thuyền BxH=80x10 (m), quy mô 6 làn xe.

Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 có thể ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, lịch sử - Ảnh 1.

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Vũ Quyền.

Sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45m), cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả thành phố.

Trong hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, đô thị, kiến trúc sư cũng lo ngại tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 theo thiết kế 10m sẽ biến cảng Sài gòn sẽ trở thành ốc đảo, ngăn trở tàu ra vào, làm mất đi lợi thế sẵn có của cảng và thành phố.

TS.Trần Du Lịch cho rằng, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội vốn là một thương cảng quốc tế. Do đó, phải xây dựng cảng này trở thành một cảng du lịch tàu biển, để đón du khách trong và ngoài nước. Việc giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 là 10m như ban đầu sẽ làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất để làm kinh tế ven sông, kinh tế đêm.

"Ta không bàn làm cầu kiểu gì, đắt hay rẻ mà cần biến mảnh đất này theo một cách riêng mà chỉ TP.HCM mới có - thực sự sầm uất, và là điểm nhấn của TP. Để bàn làm tĩnh không bao nhiêu, cần phải xác định mảnh đất này phải làm gì, và xác định kỹ thuật xây cầu trong tương lai. 

Trường hợp chúng ta bàn chuyện xây cầu trước, xong mới xác định mảnh đất cảng Sài Gòn làm gì, sẽ quá muộn. Tôi mong lãnh đạo TP thực sự biến TP này trở thành trung tâm sầm uất nhất, vùng kinh tế đêm mà chỉ TP.HCM mới có" - TS Trần Du lịch nhấn mạnh.

Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 có thể ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, lịch sử - Ảnh 2.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, giúp kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Ảnh: Vũ Quyền.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận việc trước khi xây dựng cầu phải định hình chân dung thành phố. Hiện, cầu Thủ Thiêm 4 là một yếu tố rất quan trọng, trong khi đó TP.HCM là một thành phố mở, thành phố năng động. Do đó, nếu tĩnh không thông thuyền thấp sẽ chặn mất những lợi thế đã có.

Nhìn nhận theo góc độ lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đã kể lại những giá trị lịch sử liên quan đến Cảng Sài Gòn và khẳng định nếu không tính toán cẩn thận sẽ làm sông Sài Gòn bị đứt đoạn, dẫn đến việc "khai tử" cái tên "thành phố cảng".

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ nhiều tâm tư liên quan đến việc xây dựng những cây cầu. Ông nhắc lại câu chuyện khi xây cầu Thủ Thiêm 2, TP đã phải hy sinh những hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. "Khi xây cầu phải xem cầu nối hai bên bờ có gì để ứng xử cho phù hợp, cân nhắc giữ gì, bỏ gì", ông Ngô Viết Nam Sơn nói.

Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 có thể ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, lịch sử - Ảnh 3.

Phối cảnh về cầu Thủ Thiêm 4 mới nhất. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.

Không chỉ các chuyên gia, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải thủy cũng cho rằng cần xem lại tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4. Ông An Sơn Lâm, đại diện doanh nghiệp du lịch hoạt động trên sông Sài Gòn 20 năm cho biết, mỗi khi nghe thông tin thành phố xây cầu ông lại mất ăn, mất ngủ. Bởi khi cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2 hình thành, nhiều tàu không thể di chuyển ra khu vực sông Sài Gòn.

"Nên suy nghĩ cho tương lai, cây cầu có tuổi thọ 50 năm thì phải suy nghĩ theo hướng sau 40-50 năm nữa nó có ảnh hưởng đến giao thông thủy không. Nếu cầu 100 năm thì cũng phải có tầm nhìn 100 năm, nếu không thì không nên làm", ông Lâm nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận việc làm cầu mở, cầu quay về kỹ thuật không khó, nếu cầu Thủ Thiêm 4 làm tĩnh không 15m cần khoảng 4.500 tỷ đồng, cầu mở khoảng 6.000 tỷ đồng. Do đó, tĩnh không cầu không phải là một yếu tố cản trở. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu đến phương án xây hầm, xem phương án nào thuận lợi, phù hợp nhất để phát triển", ông Lâm chia sẻ.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay sẽ tiếp thu và báo cáo lại các ý kiến với lãnh đạo UBND thành phố; cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn. "Giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử", Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định.

Theo đề xuất ban đầu, cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với quận 7, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cầu dự kiến dài hơn khoảng 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10m; vận tốc thiết kế 60km/h. Dự kiến điểm đầu cầu nằm tại điểm giao giữa đường Huỳnh Tấn Phát với đường Lưu Trọng Lư, điểm cuối đấu nối vào đường Nguyễn Cơ Thạch.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem