Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), việc người dân nông thôn chưa mặn mà với mẫu nhà này là do diện tích đất ở của người dân ở dạng phân lô nhỏ; giá thành xây dựng cao; cộng thêm tâm lý muốn xây nhà theo kiểu riêng, ý thích của gia đình; chưa có cơ chế hỗ trợ...
Với ý thích tự xây nhà theo mẫu mình chọn, người dân nông thôn TP.HCM không mặn mà với mẫu nhà nông thôn do thành phố đề xuất. Ảnh: I.T
Được biết, năm 2008, TP.HCM triển khai thí điểm Chương trình xây dựng NTM với ấp Chánh (Tân Thông Hội, Củ Chi) cũng thiết kế mẫu nhà nông thôn. Nhưng mẫu nhà này không thể đưa vào thực tế bởi theo ông Đinh Văn Mum - Trưởng ấp Chánh, diện tích xây nhà khá lớn so với đất của người dân, người dân không đủ tài chính, thích làm nhà theo ý mình…
Đến năm 2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM lại đưa thêm mẫu nhà mới phục vụ công tác xây dựng NTM của thành phố. Đó vẫn là những mẫu nhà chữ L truyền thống nhưng kèm theo nhiều lời khuyên về chọn lựa kết cấu và vật liệu để tiết kiệm năng lượng, thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, các mẫu nhà này vẫn không đi vào thực tế.
Được biết, để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính cho người dân ngoại thành áp dụng mẫu nhà nông thôn vào thực tế, Sở NNPTNT đã liên hệ với nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính. Nhưng tất cả đều từ chối do không có cơ chế đảm bảo cho nông dân có thể trả nợ.
Sở NNPTNT đã nỗ lực tìm một hướng khác như từ các tổ chức tài chính của Chính phủ với hy vọng bằng vốn ngân sách, Nhà nước có thể hỗ trợ nông dân làm nhà. Nhưng theo quy định của Chính phủ, những người nằm trong chuẩn nghèo của Nhà nước mới được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. So với chuẩn chung cả nước, chuẩn nghèo ở TP.HCM… cao hơn, do đó người nghèo ở thành phố không thể tiếp cận với vốn vay ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.