Thiếu nặng chỉ tiêu, ĐH-CĐ ngoài công lập rơi vào "bi đát"

Thứ tư, ngày 30/10/2013 15:27 PM (GMT+7)
Ngày mai, 31.10 là hạn chót nhận hồ sơ xét tuyển NV3 của các trường ĐH-CĐ. Thời điểm này rất nhiều trường ĐH ngoài công lập buộc phải “chốt sổ” với lượng hồ sơ nhận được không quá 50% chỉ tiêu cần tuyển.
Bình luận 0

Tuyển 1.000, 75 thí sinh nhập học

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT đầu mùa tuyển sinh 2013, con số dư có điểm trên sàn năm nay lên tới 238.726 thí sinh, đây sẽ là nguồn tuyển “dồi dào” cho các trường ĐH - CĐ. Bộ cũng khẳng định, các trường ngoài công lập (NCL) sẽ không thể nói là thiếu nguồn tuyển được nữa.

Nhưng thực tế, rất nhiều trường dù đã dùng mọi cách thì đến hạn cuối cùng vẫn không thể tuyển đủ ½ chỉ tiêu.

img
Thí sinh xem kết quả xét tuyển NV tại trường ĐH Đại Nam

Trường ĐH Dân lập Hải Phòng mới chỉ đạt 50% trong tổng số 1.000 chỉ tiêu, tuy nhiên vẫn còn “khá khẩm” hơn con số 150 hồ sơ của trường ĐH Hoà Bình nhận được (chỉ tiêu đào tạo của trường này là 600). Trường ĐH Đại Nam tuyển được hơn 700 thí sinh trong tổng số 2.000 chỉ tiêu.

Tương tự trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) cũng chỉ mới nhận được chưa đến 100 hồ sơ xét tuyển NV3 và 75 thí sinh đã nhập học. Trong khi đó chỉ tiêu đào tạo năm học này của trường lên tới 1.000 sinh viên. Lãnh đạo trường này cho biết họ không thể hiểu nổi thí sinh đi đâu, hay các em không còn thiết tha với học ĐH nữa. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường khá đầy đủ, tiện nghi và đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của cả nghìn sinh viên, giờ không tuyển sinh được thì quá lãng phí.

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH Dân Lập Hải Phòng thì cho biết: “Trường sẽ phải nhờ đến phương án đề nghị Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh riêng bằng cách xét tuyển hồ sơ tốt nghiệp THPT”. Ông Nghị cũng cho rằng, nguyên nhân của việc xét tuyển không được là do Hải Phòng hiện nay có tới 3 trường ĐH công lập trong đó có 2 trường chỉ lấy điểm nhỉnh hơn hoặc bằng sàn nên thí sinh không nộp hồ sơ vào học trường dân lập.

Một số trường ĐH học dân lập khác rơi vào tình trạng bi đát vì không tuyển được thí sinh như: ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Đông Đô... cũng đang muốn kiến nghị với Bộ được sớm thực hiện Luật giáo dục ĐH để có thể tự chủ tuyển sinh ngay trong năm nay.

Lãnh đạo các trường cho rằng, họ không thể chờ đến sau năm 2015 để mới được thực hiện xét tuyển theo điểm tốt nghiệp và hồ sơ THPT bởi lẽ cứ thêm một mùa tuyển sinh “thất bát” là khoảng cách đến bờ vực... giải thể trường lại càng gần hơn.

Kiến nghị cho trường tự tuyển sinh

Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập cho rằng thất bại của nhiều trường trong các mùa tuyển sinh gần đây có một phần lớn nguyên nhân là do “3 chung” đã bị lạc hậu. Không ít lần Hiệp hội này có kiến nghị với Bộ GD-ĐT để được “giải thoát” khỏi chiếc “vòng kim cô này”.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT lại cho rằng để giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường hay công nhận xét tuyển tốt nghiệp THPT cần một quá trình và sự thay đổi đồng bộ, không thể làm nhất thời, từng phần.

“Các trường muốn tự chủ tuyển sinh cũng đồng thời tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, chất lượng sinh viên, chương trình đào tạo. Đồng nghĩa với việc đó, Bộ GD-DTphải có những quy chế khắt khe hơn trong việc quản lý, nếu trường nào vi phạm phải phạt nặng” - TS Nguyễn Thị Lan Phương - Viện nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Phải sau năm 2015 các trường ĐH CĐ mới có thể thực hiện phương án tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Khi đó, việc công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH CĐ phải kết hợp kết quả đánh giá quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được thay đổi theo hướng vận dụng kiến thức kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết vấn đề chung theo 2 môn: Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, hoặc tóm gọn lại ở 2 môn Toán và Ngữ văn. Ông Hiển cũng cho biết, khi các trường xét tuyển sau năm 2015 có thể chọn một số môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo để thi.

Để làm được điều này, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 cho rằng: “Bộ phải làm thế nào để việc công nhận kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển ĐH gắn liền với quá trình và kết quả thi tốt nghiệp, kết quả thi tuyển sinh được minh bạch. Nếu không việc kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ sẽ rất khó khăn”.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): Kể cả Bộ GD-ĐT có cho các trường tự tuyển sinh hay chỉ xét tuyển thì vẫn sẽ có những trường phải chấp nhận giải thể vì không có người học. Chỉ có trường nào gây dựng được uy tín, lòng tin với người học thì mới được xã hội công nhận.

Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem