Thiếu niên nhặt được đao của Sở Bá Vương và trở thành bá chủ Tam Quốc là ai?

Thứ tư, ngày 17/07/2019 18:34 PM (GMT+7)
Thời xưa, sau mỗi trận chiến lớn, rất nhiều thanh kiếm và đao sẽ bị bỏ lại trên chiến trường. Chúng bị chôn vùi trong đất như một cổ vật trong một thời gian dài, và sẽ được các thế hệ sau phát hiện ra. Có một câu truyện huyền thoại tương tự liên quan đến thanh đao của Hạng Vũ và người sau này trở thành bá chủ Tam Quốc giai đoạn đầu.
Bình luận 0

Trong "Thủy Hử truyện", có một bài hát dân ca được lưu truyền mà ai ai cũng biết đến: "Cửu lý pha tiền cổ chiến trường, mục đồng thập đắc cựu đao. Thuận phong xúy khởi ô giang thủy, hảo tự Ngu Cơ biệt bá vương" (tại chiến trường Cửu lý sơn năm xưa, mục đồng nhặt được cây đao cũ, thuận gió chém động nước sông Ngô Giang (một nhánh của sông Trường Giang), tựa như Ngu Cơ từ biệt Sở Bá Vương).

Cảnh tượng được mô tả trong bài hát dân gian này quả thực có khả năng là thật. Thời xưa, sau mỗi trận chiến lớn, rất nhiều thanh kiếm và đao sẽ bị bỏ lại trên chiến trường. Chúng bị chôn vùi trong đất như một cổ vật trong một thời gian dài, và sẽ được các thế hệ sau phát hiện ra. Có một câu truyện huyền thoại tương tự liên quan đến thanh đao của Hạng Vũ.

img

Hạng Vũ. Ảnh minh họa.

Vào cuối triều đại Đông Hán, cũng chính là hơn 300 năm sau cái chết của Hạng Vũ, Hán Hoàn Đế tại vị. Vị Hán Hoàn Đế này chính là Hoàn đế trong "Hán Linh nhị đế" mà Gia Cát Lượng căm ghét viết trong cuốn "Xuất sư biểu" của ông. Vị Hán Hoàn đế này mê muội, chìm đắm trong hưởng lạc, triều chính mục nát, gian thần lộng hành, khiến đại Hán triều rơi vào bờ vực khủng hoảng và sụp đổ. Nhận thấy nhà Hán đang trong tình trạng lâm nguy, người Hồ ở khu vực tây bắc bắt đầu hành động, lăm le chiếm lấy giang sơn khu vực đồng bằng trung tâm.

Trong suốt chín năm, tộc Tiên Ti và người Khương đã liên minh lại với nhau. Họ liên tục tiến sâu vào vùng nội địa phía tây bắc, tấn công vào các quận huyện, quan chức địa phương sợ hãi, ngày đêm bẩm báo lên triều đình.

Khu vực Quan Trung phía tây bắc là căn cứ sản xuất lương thực quan trọng nhất của nhà Hán. Sự việc vô cùng nghiêm trọng, Hán Hoàn đế không dám khinh suất, vội vàng phái tướng Trương Hoán cầm quân đi chiến đấu với quân Tiên Ti ở phía tây bắc. Quân đội triều đình Đông Hán lúc này đã mục nát đến tận cùng, thậm chí đến các tướng cũng tham sống sợ chết, chỉ còn duy nhất một võ tướng, mỗi lần chiến đấu đều không quan tâm đến sống chết, hơn nữa còn biết cách dụng binh, cuối cùng giành được thắng lợi vô cùng vẻ vang, triệt để bình định được phản loạn, cứu triều đình Đông Hán đang trong tình trạng thoi thóp một bàn thua trông thấy.

Vị tướng này chính là nguồn gốc, người mở ra thời loạn Tam Quốc nổi tiếng trong lịch sử, Đổng Trác. Trong những năm đầu "khởi nghiệp", Đổng Trác vì tham chiến rất nhiều trong các trận chiến ở khu vực tây bắc nên đã luyện được cho mình võ nghệ và lòng can đảm hơn người.

img

Đổng Trác là "bá chủ" thời kỳ đầu Tam Quốc.

Lịch sử ghi chép lại rằng, Đổng Trác "lữ lực quá nhân, song đái lưỡng kiện, tả hữu trì xạ" (ý muốn nói Đổng Trác rất mạnh mẽ, sức mạnh hơn người, ông luôn mang bên yên ngựa hai bao cung tên, có thể vừa phi ngựa nước đại vừa giương hai cung lên bắn), được nhiều người gọi là mãnh tướng. Trận bình định phản tặc lần đó là một bước ngoặt trong cuộc đời của Đổng Trác, danh tiếng của Đổng Trác lên như diều gặp gió, từ một quân quan không có chút tiếng tăm gì, bỗng chốc trở thành danh tướng được triều đình trọng dụng.

Đổng Trác nhận thấy sức mạnh nhà Đông Hán đang ngày càng suy giảm, và dần nảy ra dã tâm, không cam lòng với địa vị hiện tại mà muốn thay thế nhà Hán. Vào năm 184 sau Công nguyên, khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, năm thứ hai, Lương Châu xuất hiện phản loạn người Hồ. Đổng Trác nắm lấy cơ hội, lấy danh nghĩa chống lại cuộc nổi loạn, chiêu mộ binh sỹ để mở rộng sức mạnh, trở thành một đại quân phiệt thực sự. Đối với ý chỉ của triều đình, Đổng Trác hoàn toàn bỏ ngoài tai, không quan tâm, triều đình cũng chẳng thể làm gì được ông.

Năm 189 sau Công nguyên, Hán Linh Đế băng hà, đại tướng quân Hà Tiến và lực lượng hoạn quan đã chiến đấu quyết liệt để tranh giành quyền lực. Vì các hoạn quan đang kiểm soát tử cấm quân nên Hà Tiến vì muốn đã tăng cường sức mạnh cho mình đã bí mật phái người đến liên lạc với Đổng Trác.

Đổng Trác vừa nghe xong, giống như được gãi đúng chỗ ngữa, ngay lập tức dẫn hơn 100.000 tinh binh đánh vào Kinh sư. Vì thời điểm đó vẫn còn là giai đoạn đầu của Tam Quốc, phe cánh của các chư hầu khác như Tào Tháo, Lưu Bị hay Viên Thiệu đều chưa lớn mạnh, nên sức mạnh của Đổng Trác không ai địch nổi, trở thành bá chủ "hữu danh hữu thực" của Tam Quốc thời kỳ đầu, một tay che cả bầu trời, hô mưa gọi gió, thống lĩnh thiên hạ. Nhưng, cuối cùng, Đổng Trác cũng có một cái chết không hề êm đẹp gì, đúng như những gì đáng phải nhận được vì những việc mà ông làm khi còn sống.

Cha của Đổng Trác từng làm quan Huyện úy huyện Luân Thị đất Dĩnh Xuyên, sau khi bị cách chức, ông trở về quê nhà làm nông kiếm sống, Đổng Trác thời niên thiếu vì vậy cũng thường ra đồng để làm việc đồng áng.

Cuốn "Cổ kim đao kiếm lục" có ghi lại rằng Đổng Trác trong một lần canh tác đất đã vô tình đào một thanh đao. Sau khi cầm lên, Đổng Trác nhìn kỹ hơn, "tứ diện ẩn khởi tác sơn vân văn", hơn nữa còn rất sắc bén "đoạn ngọc như nê" (chém ngọc như chém bùn). Đổng Trác sau khi giàu có, có một lần gặp được vị danh sĩ trứ danh Thái Ung, liền hỏi Thái Ung về lai lịch của thanh đao này, Thái Ung xem xong, căn cứ hình dáng đao và sách cổ ghi chép đã nói rằng "thứ Hạng Vũ chi đao dã" (chính là thanh đao của Hạng Vũ). Hạng Vũ và Đổng Trác quả thực có vài phần giống nhau, đều là những người chí lớn nhưng tài mọn, tài năng không xứng với tham vọng, cuối cùng đều rơi vào kết cục bi kịch.

XEM THÊM:

Như Quỳnh (Tri Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem