Thiếu quy định quản lý hộ kinh doanh, Bộ KH&ĐT hứa sẽ xây dựng luật riêng
Thiếu quy định quản lý hộ kinh doanh, Bộ KH&ĐT hứa sẽ xây dựng luật riêng
Thanh Phong
Thứ năm, ngày 11/11/2021 18:25 PM (GMT+7)
Trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan này sẽ xây dựng luật riêng nhằm quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh.
Trong phiên chất vấn chiều 11/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) yêu cầu Bộ KHĐT trả lời về kế hoạch xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển hộ kinh doanh trong nước.
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tới đây, cơ quan này sẽ đề xuất luật hóa các quy định liên quan hoạt động của nhóm đối tượng này.
Được biết, hiện tại, dù có gần 5 triệu hộ với trên 8 triệu lao động nhưng vẫn chưa có quy định được luật hóa để quản lý, hỗ trợ các đối tượng này. Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tại nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã đề xuất đưa các quy định này vào Luật Doanh nghiệp nhưng Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng.
Do đó, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo lại với Chính phủ trong thời gian tới để xây dựng luật riêng cho các hộ kinh doanh để có điều kiện phát triển.
"Khi các hộ kinh doanh có thể lớn mạnh trở thành doanh nghiệp thì mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cũng có thể đạt được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng sẽ không thể đạt được nếu không có giải pháp đột phá về khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu Lộc đặt câu hỏi với Bộ KH&ĐT về việc cơ quan này đã chuẩn bị giải pháp gì để đạt mục tiêu?
Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho biết Việt Nam hiện vẫn là nền kinh tế gia công, không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp mà cả nông nghiệp vì ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
"Bộ KH&ĐT đã có giải pháp gì liên quan lĩnh vực này và có cân nhắc trình Quốc hội dự thảo Luật công nghiệp hỗ trợ hay không?", đại biểu Lộc chất vấn.
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội cũng đã đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu này đã không đạt được.
Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo dự thảo được đưa ra dựa trên tính toán của Bộ KH&ĐT với dữ liệu tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ thành lập doanh nghiệp, môi trường phát triển kinh doanh… Và mục tiêu này có thể đạt được, nhưng cũng cần phải có giải pháp căn cơ và đột phá.
Hiện Chính phủ đang triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung để hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, các chính sách mới cũng góp phần tạo niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, thành lập doanh nghiệp mới, đổ vào hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp công nghệ cao…
"Tất cả các chính sách này có thể thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Về luật riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là vấn đề thuộc Bộ Công Thương, nhưng Bộ KH&ĐT vẫn rất ủng hộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng muốn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải có một nền công nghiệp thực thụ, và muốn có nền công nghiệp thực thụ cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, để phát triển được lĩnh vực này cần có một bộ luật riêng.
Khi có bộ luật riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời thúc đẩy cả khu vực kinh tế trong nước. Đây là một trong những yếu tố giúp xây dựng nền kinh tế tự chủ cao hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.