Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, khắc tinh của tội phạm kể chuyện bắt cướp

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 22/05/2021 14:35 PM (GMT+7)
Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, cựu trinh sát săn bắt cướp của Công an Tân Bình (TP.HCM) lừng lẫy một thời, đối mặt với nhiều tội phạm có súng và ông luôn thắng. Dù nay ông đã nghỉ hưu nhưng trong lòng vẫn còn hừng hực lửa nghề.
Bình luận 0

Đứt lìa bàn tay khi chiến đấu với tội phạm

Vào một buổi chiều tháng 5, trong căn nhà nhỏ của mình ở quận 12 (TP.HCM), thiếu tá Tạ Ngọc Thanh đã dành trọn buổi chiều trải lòng với PV Dân Việt. Dù đã về hưu nhưng khi nhắc lại chuyện bắt cướp, ông vẫn còn hừng hực lửa nghề. Thiếu tá chậm rãi kể lại nhiều vụ án từ những năm thập niên 90 cho tới khi nghỉ hưu, có đôi lúc khiến chúng tôi phải sởn gai ốc...

Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, cựu thành viên săn bắt cướp TP.HCM kể chuyện bắt cướp - Ảnh 1.

Thiếu tá Thanh xem lại tài liệu thành tích của mình từ những năm thập niên 90 đến nay. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Khi lật từng trang nhật ký và từng hồ sơ vụ cướp, thiếu tá Thanh có thể kể vanh vách chi tiết từng vụ án, tên tuổi, quê quán từng đối tượng, phương thức gây án, hành trình phá án... Nghe ông kể, chúng tôi cứ tưởng như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Nhưng đáng nhớ nhất và cũng tốn nhiều… máu nhất là lần đụng độ với nhóm tống tiền năm 2002.

Thiếu tá Thanh kể, sau khi nhận được thông tin người dân bị một nhóm đối tượng tống tiền, ông đã đến hiện trường trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Bình) để điều tra.

Khi tới nơi, ông bị 6 đối tượng hung hãn chém ông tới tấp, trong đó có nhát dao làm bàn tay gần như đứt lìa, chỉ còn chút da.

“Cuộc chiến diễn ra không khác gì phim hành động. Để giải vây, tôi dùng súng bắn trả và viên đạn bay trúng mắt tên cầm đầu (đạn cao su). Hắn lấy vạt áo lên lau, rồi cùng đồng bọn tiếp tục truy sát tôi. Tôi chạy ra đường Lũy Bán Bích thì được người dân đưa vào bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Sau đó, nhóm đối tượng này đã bị bắt, trả giá thích đáng cho tội lỗi của mình, riêng tôi được nối lại cánh tay với mức độ thương tật 57%”.

Nhờ quá trình tập luyện và vật lý trị liệu, bàn tay của ông có thể hoạt động linh hoạt trở lại, nhưng vết sẹo dài vẫn luôn hiện hữu, như minh chứng cho một quãng thời gian căng thẳng mà ông phải đối đầu với tội phạm để bảo vệ bình yên cho người dân.

Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, cựu thành viên săn bắt cướp TP.HCM kể chuyện bắt cướp - Ảnh 3.

Bàn tay của thiếu tá Tạ Ngọc Thanh từng bị chém đứt lìa khi đi điều tra tội phạm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Một vụ án khác ông cũng không thể quên, đó là vụ bắt cóc 2 học sinh trường mầm non 10A (quận Tân Bình) vào tháng 10/2012. Ông nhớ rõ, sáng 11/10/2012, nhận được tin báo, ông lập tức có mặt tại hiện trường vạch ra các phương án giải cứu dưới sự chỉ huy của Trung tá Đào Thanh Trì (Đội trưởng đội CSHS Tân Bình lúc bấy giờ).

Bên trong phòng học, tên bắt cóc dùng dao khống chế hai đứa trẻ. Bên ngoài, phụ huynh, người dân nhốn nháo, hoảng sợ. Người nhà hai đứa trẻ căng thẳng, gào khóc rất thương tâm. Trước tình huống căng thẳng đến nghẹt thở, chỉ cần một chút chậm trễ thì hậu quả sẽ khó lường, đội CSHS phải đưa ra phương án chớp nhoáng, đồng thời đảm bảo tính mạng con tin. Trung tá Đào Xuân Trì tiếp cận hung thủ từ cửa chính lớp học, thương lượng với hắn nhằm thu hút sự tập trung, kéo dài thời gian. Thiếu tá Thanh cùng vài trinh sát khác bí mật đi từ cửa phía sau, chờ thời cơ ập vào.

Hướng dẫn tội phạm sử dụng súng ngắn

“Sau thời gian thuyết phục, tên bắt cóc đồng ý thả một cháu bé ra, đồng thời yêu cầu công an cung cấp chiếc xe 26 chỗ và một khẩu súng có đạn thật. Khi đưa súng cho đối tượng, trung tá Trì mưu trí dựng lên kịch bản hướng dẫn hắn sử dụng súng để tạo sơ hở. Lúc hắn thả dao, 2 tay mở hộp đạn thì tôi lập tức cùng các trinh sát ập vào quật tên này xuống đất, tước dao, giải cứu an toàn con tin” – ông Thanh kể.

Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, cựu thành viên săn bắt cướp TP.HCM kể chuyện bắt cướp - Ảnh 4.

Giải cứu thành công vụ bắt cóc tại trường mầm non 10A, quận Tân Bình. Trong hình, thiếu tá Thanh (đồ trắng) đang áp giải tên bắt cóc.

Thiếu tá Thanh nói, đây chỉ là một vài vụ án trong hàng ngàn vụ ông tham gia. Vụ nào cũng có sự nguy hiểm, đối diện với tội phạm trang bị vũ khí, súng ống, chống trả quyết liệt… nhưng tất cả đều là sứ mệnh, là trách nhiệm bảo vệ nhân dân của người chiến sỹ công an. 

“Nhiệt huyết với nghề nó ngấm vào trong máu rồi, trước những tình huống nguy hiểm, tôi không hề sợ sệt. Mình làm việc chính nghĩa, bảo vệ chính nghĩa, có chết cũng can trường tới cùng” – thiếu tá nói.

Trong thời gian công tác, rất nhiều tội phạm bị ông đưa vào tù. Có kẻ chỉ một vài năm, có kẻ 10 năm, 20 năm... Và cũng có những kẻ phải trả cái giá cao nhất của pháp luật.

Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh, cựu thành viên săn bắt cướp TP.HCM kể chuyện bắt cướp - Ảnh 5.

Giấy chứng nhận đặc biệt của đội SBC cấp năm 1996, được thiếu tá giữ lại làm kỷ niệm.

Nhiều đối tượng sau khi mãn hạn, vô tình hay hữu ý gặp lại thì biết ơn ông vì đã giúp họ sửa sai, làm lại cuộc đời. Nhưng cũng có người nói ông ác, trách móc ông đã đẩy mình vào ngục tù, hoặc hù, dọa trả thù… Ông cho biết, đó là chuyện bình thường, không có gì sợ hãi. Ông luôn nói rõ quan điểm của mình với họ: “Tôi được nhà nước phân công để trừng trị những kẻ bất lương, những kẻ sống không đàng hoàng, làm trái pháp luật. Tôi không ác, những kẻ gieo rắc tai họa cho người dân, cho xã hội mới ác”- ông nói.

Cần người chỉ huy tốt để nâng cao tinh thần lớp trẻ

Nói về cuộc sống hiện tại sau khi nghỉ hưu, thiếu tá Thanh không còn đối đầu với tội phạm như trước nhưng ông vẫn theo sát các hoạt động phòng chống tội phạm. Chuyên án nào cần tham mưu, giúp đỡ, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ cho lớp trẻ, những thế hệ đang bước vào ngành hình sự – trong đó có con trai ông.

Thiếu tá Thanh cho rằng, đối với thế hệ trẻ mới vào nghề, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết và khao khát được cống hiến. Thế nhưng, nhiệt huyết ấy còn hay không phụ thuộc vào cái tầm của người chỉ huy. Người chỉ huy đủ tốt sẽ đẩy mạnh, nâng cao tinh thần ấy lên, giúp thế hệ trẻ có cơ hội phát huy khả năng để mang lại bình yên cho nhân dân, đất nước.

“Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thật buồn khi biết nhiều lãnh đạo đương thời đang đi sai đường lạc lối, cậy chức cậy quyền, xây dựng đế chế của mình, muốn phấn đấu phát triển nghề nghiệp phải biết xu nịnh, chạy chọt… Ngoài ra, còn có tình trạng phân chia địa bàn, bảo kê…, tội phạm lộng hành vì có chống lưng. Đây chính là những điểm tối, đè bẹp nhiệt huyết của lớp trẻ, thậm chí làm hư cả thế hệ nếu không thay đổi” – ông nói.

Gặp bất bình ai cũng ra tay

Về câu chuyện một người đàn ông mặc quần giống sắc phục công an, đứng bấm điện thoại khi tài xế taxi đang vật lộn với tên cướp có vũ khí xảy ra ở Hà Nội, thiếu tá Thanh cho rằng, khoan hãy bàn về vai trò hay chức vụ nếu đó là công an, hãy bàn về ý thức của người đó.

Sự việc diễn ra trước mắt, người tài xế taxi đang phải vật lộn với tên cướp có hung khí, một người bình thường cũng cần có ý thức giúp đỡ.

“Bản thân tôi, dù đã nghỉ hưu nhưng nếu gặp những chuyện bất bình trong cuộc sống vẫn sẵn sàng ra tay hỗ trợ. Tôi không biết đã bắt cướp dọc đường bao nhiêu lần, giúp đỡ bao nhiêu người, giải quyết xung đột bao nhiêu vụ, nhưng dù là ai, làm công việc gì, thì cũng cần có ý thức cộng đồng. Chúng ta không thể thờ ơ, làm ngơ trước cái xấu – nhất là những tình huống rất cần trợ giúp. Bởi ranh giới giữa nguy hiểm và an toàn của họ đang rất mong manh", thiếu tá Thanh tâm huyết chia sẻ.

Thiếu tá Tạ Ngọc Thanh sinh năm 1966, ông vào ngành từ năm 1986, ban đầu làm nhiệm vụ trực ban hình sự và cảnh sát khu vực công an phường 13, quận Tân Bình. Sau đó, ông chuyển qua làm trinh sát cảnh sát hình sự và trinh sát đội săn bắt cướp (SBC) Công an quận Tân Bình( TP.HCM).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem