Thịt bò khô, bánh kẹo... giả ngập tràn khi mua sắm Tết: Làm sao để phân biệt?

Quỳnh Chi Thứ năm, ngày 28/01/2021 11:19 AM (GMT+7)
Cận Tết, nhu cầu mua sắm người dân tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng bánh kẹo, mứt, thực phẩm, rượu bia,... Đây cũng là dịp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có dịp len lỏi vào thị trường. Vậy, cách nào có thể phận biệt?
Bình luận 0

Dưới đây là một số hướng dẫn cách nhận biết các mặt hàng dễ bị làm giả hoặc trà trộn hàng kém chất lượng mà mắt thường khó có thể phân biệt:

img

Thực phẩm phục vụ dịp Tết cổ truyền bày bán ngập các chợ dân sinh

Thịt bò khô

Thịt bò khô là món quen thuộc trong những ngày tết đến xuân về. Tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều đơn vị sản xuất đã sử dụng thịt lợn sề giả bò, hoặc sử dụng hóa chất tẩm ướp, tạo màu… gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia về ẩm thực, Thịt bò khô thật có mùi nồng rất đặc trưng của thịt bò, nhai vào sẽ có vị cay, ngọt, mặn vừa phải... mùi vị này sẽ không có ở các sản phẩm làm từ thịt trâu, lợn sề hoặc ở các thực phẩm khác.

img

Thị bò khô là món được nhiều gia đình ưa chuộng trong mỗi dịp Tết về

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để phân biệt thịt bò khô thật và thịt bò giả, người tiêu dùng cần quan sát màu sắc, thớ thịt cũng như mùi vị của sản phẩm. Theo đó thịt bò khô thật có màu vàng sẫm, sợi dài, to. Còn loại thịt bò khô giả sẽ có màu đỏ vừa đến đỏ thẫm, sợi nhỏ, ngắn.

Các sợi thớ thịt của bò khô thật rất dai và dẻo, khi dùng tay xé sợi hoặc miếng khô bò phải dùng lực khá mạnh. Ngoài ra,người tiêu dùng cũng có thể dùng tay miết sợi hoặc miếng thịt, nếu thấy có dính màu đỏ hoặc cam trên tay, chắc chắn thực phẩm đã bị làm giả và dùng phẩm màu.

Đặc biệt, sau quá trình chế biến thịt bò khô sẽ có sự hao hụt rất đáng kể, 1kg thịt bò tươi sẽ chỉ cho ra lò khoảng 300g bò khô. Vì vậy, giá 1 kg thịt bò khô thường rất cao trên 500 ngàn đồng/kg, do đó với các loại bò khô giá rẻ từ 150.000 - 350.000 đồng/ kg trên thị trường thì người tiêu dùng cũng cần đặt câu hỏi về chất lượng thành phẩm.

Rượu nhập khẩu

Thị trường rượu ngoại ngày càng trở nên sôi động nhất là các dịp cuối năm, đầu xuân. Rượu ngoại giá thành đắt, lợi nhuận cao nên đây là mặt hàng thường xuyên bị làm giả. Dưới đây là một số cách nhận biết rượu ngoại thật – giả.

img

Bằng mắt thường khó có thể phân biệt rượu giả và rượu thật

Phần lớn các nhãn hiệu rượu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp và tự động nên xét về màu sắc và lượng rượu trong các chai đều tương đồng. Nhưng rượu giả đa phần là làm thủ công nên giữa các chai, độ chính xác về màu sắc và màu sắc thường có sai khác. Khi so sánh, nếu có sự sai khác về màu sắc hoặc mức rượu trong chai thì nên đặt ra nghi vấn.

Có một thực tế là hầu hết các chai rượu giả đều sử dụng lại vỏ chai của rượu thật. Quá trình làm mới lại vỏ chai sẽ khiến nhãn mác bị trầy xước hoặc bong không đều. Người tiêu dùng nên cân nhắc với các câu trả lời như “xước trong quá trình vận chuyển…”. Mặc dù công nghệ làm giả ngày càng tinh vi tuy nhiên phần lớn các nhãn mác giả khó lòng bắt chước được các kỹ thuật in, đánh dấu đặc biệt của nhà sản xuất chính hãng.

Rất nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng đã sử dụng tem chống hàng giả dưới hình thức dạng tem vỡ hoặc dạng tem cào nhắn tin mã số. Đối với các hãng rượu nổi tiếng thường sử dụng tem thông minh, loại tem hiện đại nhất trên thế giới.

Do đó, trước khi đi mua các sản phẩm rượu nhập ngoại người tiêu dùng nên check thông tin phân biệt hàng thật của chính nhãn hàng để có cách thức kiểm tra chính xác nhất.

Bánh mứt kẹo

Càng cận tết, sức mua các sản phẩm bánh, mứt, kẹo.... càng tăng mạnh. Dịp này, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm phục vụ người tiêu dùng với đủ mẫu mã. Ăn theo sức nóng thị trường, không ít các cơ sở sản xuất vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm giả mặt hàng bánh kẹo thương hiệu lớn gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

img

Để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín

Các sản phẩm nhái thường có giá rẻ bằng một nửa sản phẩm gốc, trà trộn trong các gói quà hoặc khu vực nông thôn, miền núi,... Bánh kẹo bị làm giả rất tinh vi. Hầu hết những sản phẩm này in thông tin về thành phần, giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng....như hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Nếu mua giỏ quà biếu Tết, không nên mua giỏ quà đã gói sẵn. Người tiêu dùng nên tự chọn các hộp bánh kẹo rời bên ngoài rồi gói thành giỏ quà để đảm bảo an toàn, tránh những sản phẩm kém chất lượng được gói sẵn trong giỏ quà. Đặc biệt, trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào người dùng nên đọc thật kỹ tên món hàng mình định mua và kiểm tra kỹ vỏ hộp tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Theo chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt những sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc,...nếu dùng lâu dài có nguy cơ gây ung thư.

Do đó, người tiêu dùng nên cẩn thận, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Tốt nhất nên lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem