Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cảnh báo quyết liệt với Pháp và Đức. Ảnh minh họa: Atalayar
Hãng RT hôm 31/5 đưa tin, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ của Pháp và Đức ở nước này để đưa công hàm phản đối hoạt động của đảng Lao động người Kurd (PKK) - nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo toàn bộ thành viên NATO và 2 quốc gia vừa nộp đơn xin gia nhập khối là Phần Lan và Thụy Điển, rằng Ankara sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự hỗ trợ nào của các nước dành cho PKK.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu hôm 31/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, nước này lo ngại sự gia tăng gần đây về các hoạt động của PKK và các tổ chức mà Ankara xem là khủng bố khác ở Pháp và Đức. PKK đã có các cuộc biểu tình ôn hòa ở Pháp và Đức.
"Chúng tôi đang nói về các cuộc diễu hành và biểu tình ở Pháp và Đức, trong đó, có cờ và biểu tượng của PKK. Đại sứ Pháp và Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/5 bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao của chúng tôi. Họ được trao các công hàm phản đối về hoạt động của PKK ở nước họ. Chúng tôi gửi lời cảnh báo quyết liệt đến họ", ông Cavusoglu tuyên bố.
Dù Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không nêu cụ thể các cuộc diễu hành và biểu tình nào dẫn đến phản ứng quyết liệt của Ankara, nhưng RT cho rằng ông Cavusoglu đang muốn nói đến phong trào Long Marches do các thanh niên người Kurd tổ chức ở Đức, Pháp, Hy Lạp Anh, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Các cuộc tuần hành, bắt đầu hôm 29/5 và dự kiến kéo dài trong nhiều ngày, với mục đích phản đối việc người Kurd bị "đàn áp".
Bình luận của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra khi ông đang giải thích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông Cavusoglu nhắc lại quan điểm của Thụy Điển rằng nước này sẽ không chấp nhận việc 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO nếu họ không đáp ứng yêu cầu của Ankara - dừng hỗ trợ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Ông Cavusoglu nói rằng cả Thụy Điển và Phần Lan đều hỗ trợ nhiều mặt cho PKK, YPG hay FETO - các nhóm mà Ankara xem là khủng bố. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cả Phần Lan và Thụy Điển đều từ chối dẫn độ bất kỳ thành viên nào của các tổ chức kể trên, dù các thành viên này bị truy tố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.