Thổ Nhĩ Kỳ ngả vào vòng tay Trung Quốc giữa khủng hoảng với Mỹ

Phương Đăng Thứ năm, ngày 16/08/2018 20:30 PM (GMT+7)
Trung Quốc đang nổi lên như là một đồng minh mới của Thổ Nhĩ Kỳ giữa bối cảnh quan hệ với Mỹ xấu đi nghiêm trọng. Bắc Kinh có thể là quốc gia duy nhất chịu rót tiền cứu Ankara khỏi khủng hoảng kinh tế mà không cần các điều kiện tiên quyết.
Bình luận 0

img

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẵn sàng ngả vào vòng tay Trung Quốc giữa khủng hoảng với Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang sau khi chính quyền Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm gạo, xe, rượu, than và mỹ phẩm của Mỹ, nhằm đáp trả việc chính quyền Trump tăng gấp đôi thuế nhập khẩu nhôm và thép đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài ra, đáp trả việc Mỹ chặn thương vụ bán chiến đấu cơ F-35 cho mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn với Nga trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Sergei Lavrov. Cam kết này dự báo về những thay đổi tiềm năng liên quan đến tình hình an ninh trong khu vực. 

Cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, ông muốn lập một liên minh mới với Trung Quốc, Iran và Nga để chống lại những áp lực kinh tế do chính quyền Donald Trump áp đặt.  Một số nhà phân tích dự đoán, Bắc Kinh vốn đang trong "cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể cấp một số hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần điều kiện tiên quyết, chẳng hạn mua trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.

"Trong ngắn hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều vốn nước ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế - và sau Qatar, Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất có thể rót tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần điều kiện tiên quyết", ông Berk Esen, một trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara nói.

Kadir Temiz, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Istanbul Sehir nhận định, cuộc khủng hoảng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là một cơ hội để đẩy mạnh quan hệ Trung-Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trung Quốc có lợi ích quốc gia trong việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây vẫn là một quốc gia quan trọng về chiến lược địa lý giữa châu Âu và châu Á", ông Temiz tuyên bố.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh và cam kết sẽ xem các mối đe dọa an ninh đối với Bắc Kinh là mối đe dọa và nhấn mạnh sẽ không cho phép bất kỳ "hoạt động chống Trung Quốc" nào trong lãnh thổ của nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Ankara vẫn phần lớn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc chưa thể trở thành một đối tác chiến lược toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ do chính sách an ninh và kinh tế của nước này vẫn được định hình chủ yếu bởi NATO và Liên minh châu Âu (EU). 

"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia NATO và từ quan điểm quân sự, điều này hạn chế khả năng tìm kiếm các liên minh mới của nước này”, ông Dimitris Tsarouhas, một trợ lý giáo sư tại khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara nhận định. 

"Sẽ là không thực tế để tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ liên hợp hoàn toàn an ninh của mình với phương Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu ảnh hưởng của phương Tây về kinh tế, chính trị và văn hóa trong suốt 2 thế kỷ", ông Ferit Temur, một nhà phân tích về Nga và châu Âu ở Ankara nói.

Berk Esen, một trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ không có khả năng thay thế NATO hay thậm chí là Nga trong vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. 

ĐỌC THÊM: Nổ kho đạn ở Syria: Hối hả kéo trẻ em bị vùi lấp khỏi tòa nhà sập

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem