Sau bão, nhiều người dân ở xã Quỳnh Thọ lại sắm sửa đồ nghề và tìm đến những cánh đồng ngô để bẫy chim trời. Ông Vũ Văn Bình - một tay săn chim lâu năm ở xã Quỳnh Thọ cho biết, sau khi bão tan, chim thường di cư về tổ, do đó hai cha con ông đi đặt bẫy từ lúc 5h sáng. Sau 2 giờ đặt bẫy, ông Bình đánh được 50 con chim sáo sậu. Ảnh: Việt Hùng
Những bẫy chim được người dân giăng khắp ruộng, khi đàn chim trời bay qua khu vực này bị con mồi thu hút nhanh chóng sập bẫy. Ảnh: Việt Hùng
Dụng cụ người dân dùng để săn chim gồm 2 tấm lưới to hình chữ nhật đặt nằm trên ruộng theo hình cánh cửa, trên khung lưới gắn 2 sợi dây thừng dài khoảng 100 m; khoảng từ 10 - 15 con chim mồi dụ bầy kéo tới. Ảnh: Việt Hùng
Khi xác định được đàn chim trời bay ngang qua, người săn chim nấp trong lều dựng tạm để theo dõi và kéo dây sập bẫy. Ảnh: Việt Hùng
Theo người đi săn, đang vào mùa chim di cư nên mỗi lần sập bẫy họ đánh được từ 50 - 100 con. Hiện giá chim nhập cho thương lái từ 10.000 - 20.000 đồng/con. Đối với những con chim đẹp nuôi làm chim cảnh giá bán có thể lên 50.000 đồng/con. Mỗi ngày, có thể kiếm khoảng 300.000 - 500.000 đồng từ bẫy chim. Ảnh: Việt Hùng
Vì dễ kiếm tiền nên hiện nay trên địa bàn huyện có hàng chục người ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Thanh... chuyên nghề bẫy chim trời. Ảnh: Việt Hùng
Chim trời được bày bán tràn lan ở các điểm chợ, nhất là chợ Quỳnh Văn, xã Quỳnh Văn. Ảnh: Việt Hùng
Những con cò bị vặt lông và hun khói bán ở chợ giá 15.000 - 20.000 đồng/con. Ảnh: Việt Hùng
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Quỳnh Hậu cho biết, hiện nay đang vào mùa mưa bão nên có rất nhiều người dân từ các nơi về đây đặt bẫy bắt chim. Những đàn cò, chim én bay qua đều bị người dân đánh bắt sạch. Đánh xong vùng này, họ lại di chuyển đến vùng khác để săn bẫy chim. Việc làm này đang dẫn đến nguy cơ tận diệt các loài chim trời. Ảnh: Việt Hùng
Việt Hùng (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.