Thoát nghèo, vươn lên khá giàu nhờ vay vốn ưu đãi nuôi gà đen

Thu Hà Thứ tư, ngày 01/01/2020 06:14 AM (GMT+7)
“Thực hiện ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH đến với hội viên, nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc thiểu số... đã góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội ND các cấp tỉnh Yên Bái, thu hút nhiều hội viên, nông dân tin tưởng tham gia vào tổ chức Hội” - đó là chia sẻ của ông Giàng A Câu  - Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái.
Bình luận 0

Đẩy mạnh chương trình ủy thác tín dụng

Ông Giàng A Câu cho biết: Xác định công tác phối hợp các tổ chức tín dụng truyền tải vốn cho nông dân sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, BCH Hội ND tỉnh Yên Bái đã đưa nội dung này vào trong chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác hàng năm của Hội. Theo đó, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai rà soát, tạo điều kiện thuận lợi các hội viên, nông dân vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ do Hội ND tỉnh đang quản lý qua ủy thác của các Ngân hàng đạt trên 1.173 tỷ đồng, cho 29.000 hộ hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó dư nợ qua Ngân hàng CSXH chiếm chủ yếu, đạt trên 770,514 tỷ đồng cho 23.769 hộ vay.

img

Được Hội ND tín chấp cho vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, chị Lù Thị Sênh đã phát triển mô hình nuôi gà đen hiệu quả. Ảnh: Quốc Định

Hiện đã có 164/180 Hội ND cấp xã ký Hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH. Toàn tỉnh thành lập được 677 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) hoạt động hiệu quả. Hầu hết các hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm túc việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn. Số tổ TKVV đạt loại tốt chiếm 99%, số tổ khá chiếm 1%, không có tổ yếu, kém...

Giúp nhiều hộ thoát nghèo

Để thực hiện tốt việc ủy thác, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp chặt chẽ Ngân hàng CSXH từ việc trao đổi thông tin hai chiều; phối hợp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội làm công tác ủy thác và Ban quản lý Tổ TKVV; đối chiếu, phân tích, đánh giá các khoản nợ; thẩm định giải ngân đúng đối tượng... Ngoài ra, Hội còn động viên các cấp Hội cơ sở và Tổ TKVV thực hiện tốt trách nhiệm của mình, biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến trong công tác ủy thác.

Từ các nguồn vốn vay ủy thác của Hội, nhiều hội viên từ hộ nghèo, sản xuất nhỏ lẻ nay đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn. Điển hình như hộ Hoàng Văn Cửu - dân tộc Tày, ở thôn Khe Ba Ba (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Từ năm 2008, gia đình ông Cửu được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn là 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, ông Cửu quyết định đầu tư xây dựng ao nuôi, mua giống để mở rộng diện tích nuôi thả ba ba của gia đình.

Năm 2013, ông Cửu đã trả được số nợ cũ và tiếp tục được tạo điều kiện, hướng dẫn làm các thủ tục để vay số tiền lớn hơn là 30 triệu đồng mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích ao nuôi ba ba nhà ông Cửu đã lên tới 500m2, số lượng 400 - 500 con, 100 con ba ba đẻ, có thể tự chủ trong cung ứng giống ba ba trong sản xuất. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, nguồn lãi từ ao nuôi ba ba nhà ông Cửu đạt hơn 100 triệu đồng.

Chị Lù Thị Sênh ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cũng được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để nuôi gà đen phát triển kinh tế. Có vốn, chị mua lưới rào quanh khu đất và mua 1.000 con gà đen giống từ Viện Chăn nuôi gia cầm tại Hà Nội về nuôi. Hiện nay, gà của chị được các thương lái vào tận nơi thu mua và đặt hàng với giá 130.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem