Vàng vượt “đỉnh” năm 2011
Thời điểm đỉnh điểm của giá vàng là ngày 24/2, trong phiên giao dịch buổi chiều giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 47,5 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng - tăng 2,1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng và tăng hơn 3 triệu so với phiên đóng cửa ngày trước đó - mức tăng kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm qua.
Đây được xem là mức tăng trong một ngày lớn nhất từ trước tới nay, vượt xa cả các biến động của năm 2011 khi giá vàng phi mã.
Những ngày sau đó, giá vàng liên tục "nhảy nhót" lên xuống tại nhiều phiên khác nhau. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng trên nhiều quốc gia trên toàn cầu như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Nói về xu hướng giá vàng tuần này, 15 chuyên gia thị trường đã tham gia vào cuộc khảo sát Wall Street. 7 người (47%), cho rằng vàng tăng. 5 chuyên gia (33%), nhận định vàng suy yếu thêm. 3 chuyên gia, (20%), là trung lập và dự đoán giá đi ngang.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street (Mỹ), có tới 1.619 nhà đầu tư tham gia – số lượng người trả lời nhiều nhất trong 2,5 năm qua. Tổng cộng tới 67% người cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 19% dự báo giá vàng giảm và số còn lại dự đoán vàng đi ngang.
Chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng từ ngày 3/1 đến nay giá vàng đã tăng 14%, từ 43 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng, trong khi mức tăng cả năm 2019 chỉ có 18%.
Nhận định về giá vàng trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, kể từ tháng 6/2019 tới nay, khi giá vàng thế giới bắt đầu tăng thì giá vàng trong nước cũng bật lên từ 36 triệu đồng/lượng – mức giá ghi nhận vào thời điểm vàng "ngủ đông" giai đoạn 2016 – 2018.
Đến nay, thời kỳ "ngủ đông" của giá vàng đã đi qua và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do những biến động khó lường của dịch bệnh Covid-19 leo thang tại nhiều nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn khiến kinh tế nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ suy giảm, hàng loạt đồng tiền mất giá. Các đồng nội tệ của Trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều có chiều hướng giảm giá, trong đó đồng AUD (Australia) ghi nhận mức thấp mới trong vòng 11 năm qua, đồng Won của Hàn Quốc cũng giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua...
Theo cuộc khảo sát vàng của Kitco News hàng tuần cũng kỳ vọng rất nhiều về giá sẽ tiếp tục tăng, do sự kết hợp giữa việc phân tích biểu đồ giá cũng như lo lắng liên tục về sự bùng phát của dịch Covid-19.
Đến sáng nay, dịch COVID-19 đã lan ra 65 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài lục địa Trung Quốc. Trên toàn thế giới ghi nhận 88.366 ca mắc, 3.000 người tử vong. Tình hình ở Hàn Quốc, Italia, Iran, Đức, Pháp đang vô cùng phức tạp.
Kênh đầu tư nào an toàn?
Trước thực tế trên, nhiều người tiêu dùng tỏ ra băn khoăn, nên chọn đầu tư vàng, gửi tiền ngân hàng hay mua ngoại tệ?
Theo khảo sát của phóng viên, với số tiền mua 1 lượng vàng hiện nay mang gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm 12 tháng (khoảng 6,8-8,5%/năm, tuỳ ngân hàng), lợi nhuận đầu tư vàng gấp đến 40 lần so với gửi ngân hàng và cũng gấp hơn chục lần so với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (từ 12-14%/năm).
Chẳng hạn, hiện tại mức lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại Vietcapital Bank là 8,5%/năm, nếu ước tính theo mức lãi suất này, trong vòng một tuần, số tiền lãi tiết kiệm mà khách hàng nhận về chỉ trên 80 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu mua mua 1 lượng vàng, sau một tuần bán đi sẽ có lãi 3,3 triệu đồng, cao gấp 40 lần so với gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với tâm lý người Việt, vàng vốn được xem là kênh tích trữ an toàn nhưng liệu thời gian tới giá có đi lên như dự đoán không, hay lại quay đầu sụt giảm? Vì nhớ lại thời điểm cuối năm 2011, khi giá vàng lên 49 triệu đồng, nhiều người đã đổ xô mua vàng, sau đó thì giá rớt liên tục và bị lỗ cả chục triệu đồng.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, trong bối cảnh giá vàng tăng sốc như hiện nay, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư lớn lẫn người dân đều cần cẩn trọng. Vì trong thực tế, giai đoạn 2011-2012, giá vàng đã lên đỉnh 1.900 USD mỗi ounce nhưng sau đó tụt xuống liên tục khiến nhiều nhà đầu tư vàng trong nước thua lỗ, thậm chí phá sản, đặc biệt là những người vay tiền của người thân, ngân hàng để đầu tư.
Đầu tư vàng, theo ông Tín, phù hợp với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực, kinh nghiệm, đủ chiến lược để trụ được khi giá lên, xuống. Trong danh mục của họ có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau để san sẻ rủi ro, thậm chí chờ 6 tháng đến một năm trong chiến lược kinh doanh. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi giá lên xuống 1-2 triệu đồng đã dễ bị khủng khoảng tinh thần muốn mua bán ngay nên thường nắm phần thua thiệt.
Phân tích thêm về vấn đề này, Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ lâu vàng là nơi trú ẩn của nhà đầu tư khi họ cảm thấy “có vấn đề” trên thị trường.
Theo chuyên gia Thịnh, giai đoạn hiện nay nếu dịch Covid-19 còn tiếp diễn đến thời điểm tháng 5- tháng 6 thì kinh tế thế giới có thể sẽ giảm sút 1-1,2%, nền kinh tế thế giới rất trầm lắng. Tương tự, thị trường chứng khoán thế giới cũng sa sút, trong khi đó giá vàng thế giới thời gian tới sẽ còn tăng nhưng tăng đến đâu thì chưa thể dự đoán được bởi còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 và sự phục hồi của các tập đoàn trên thế giới.
Nếu dịch Covid-19 khống chế được trong khoảng giữa tháng 3, kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi, khi đó giá vàng sẽ chững hoặc đi xuống. Đối với chứng khoán, do thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian từ tháng 1/2020 đến nay trải qua giai đoạn nguy hiểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ mất giá của thị trường chứng khoán cũng lớn.Trên cơ sở đó thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng bị mất giá.
“Trước tình huống này, nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ sẽ lựa chọn mua những cổ phiếu đã xuống giá trong thời gian vừa qua và có khả năng phục hồi trong thời gian tới. Do đó, nếu đầu tư dài hạn ở lĩnh vực này sẽ có thể mang lại thắng lợi” – ông Thịnh phân tích.
Nếu đầu tư đồng Việt Nam, đồng Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất mạnh từ dịch Covid-19, đặc biệt như các ngành dệt may, da giày, cơ khí, dịch vụ, công nghiệp, du lịch,… nhưng khả năng mất giá của đồng tiền Việt Nam gần như không có, nên với lãi suất như hiện nay đang là lãi xuất dương và lạm phát có thể kiềm chế ở mức dưới 4% hoặc 4%.
“Lãi suất thời điểm này vẫn khá ổn và lãi suất mang lại là điều chắc chắn. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ linh hoạt điều chỉnh giá trị đồng Việt Nam cũng như xem xét tỷ giá hối đoái nhưng về cơ bản sẽ giữ ổn định tỉ giá hồi đoái cũng như đồng tiền Việt Nam. Do đó nếu gửi tiết kiệm cũng sẽ mang lại lãi suất rõ ràng và cho chúng ta cảm giác yên tâm, an toàn”, chuyên gia tài Chính nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.