Thời hạn sở hữu nhà chung cư: Chuyên gia tranh luận nảy lửa, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 07/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Tại hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bình luận 0

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn có 2 phương án về thời hạn sở hữu chung cư

Trình bày nội dung dự thảo Luật Nhà ở tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) vẫn đưa ra hai phương án về sở hữu chung cư có thời hạn và giữ nguyên như hiện tại.

Cụ thể, phương án 1: Bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư, theo đó, quy định cụ thể về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.

Đa số các thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ Xây dựng thống nhất với phương án bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư như nêu trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Không thể chấm dứt quyền sở hữu chung cư một cách “đơn giản, lạnh lùng” - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn có 2 phương án về thời hạn sở hữu chung cư (Ảnh: TN)

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn.

Do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.

Nhiều ý kiến trái chiều về thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Nhận định về quy định quyền sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở, ông Phan Trung Lý, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh quy định của dự thảo luật cần dựa trên quyền con người để quy định. Trong đó, ông Lý đồng tình không có chuyện mua chung cư rồi ở mãi mãi.

"Quy định của Luật nhà ở cần nêu rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư khi bán nhà. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch giữa quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất. Nếu không tách ra thì không xử lý được tranh cãi trong xã hội về quyền sở hữu chung cư hiện nay", ông Lý nhận định.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Không thể chấm dứt quyền sở hữu chung cư một cách “đơn giản, lạnh lùng” - Ảnh 2.

Thời hạn sở hữu chung cư tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh: TN)

Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng việc bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng, lý do này không xác đáng và không phù hợp với thực tiễn, không thể đánh đồng những nhà chung cư đã xuống cấp, hết hạn hiện nay với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp theo giá thị trường vào những năm Nhà nước có chủ trương phát triển thị trường nhà ở.

"Nhà chung cư hiện nay là khối tài sản rất lớn của một gia đình và lẽ nào vì một thực tiễn hoàn toàn khác với thực tiễn hiện nay để Nhà nước ra một quyết định bằng một quy định của luật là chấm dứt quyền sở hữu một cách đơn giản, lạnh lùng như vậy", ông Đường nhấn mạnh.

Nhà chung cư thời trước đây chủ đầu tư là Nhà nước, không gắn với trách nhiệm của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Công trình nhà chung cư gắn liền với nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng công trình, vì vậy cần gắn với quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp xây nhà chung cư và trách nhiệm quản lý của Nhà nước với công trình chung cư. Tuy nhiên, những quy định của Khoản 3 Điều 25 không thấy trách nhiệm của nhà đầu tư đâu cả.

Đề cập đến quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ ở Khoản 1 Điều 26, ông Trần Ngọc Đường nhìn nhận nội dung này là thiếu toàn diện, không hợp tình, hợp lý lý. Bởi nếu không xử lý thỏa đáng hậu quả của việc tuyên bố chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư của chủ sở hữu, thì thị trường bất động sản về nhà chung cư sẽ kém sôi động, người dân kém nhiệt tình với việc ở nhà chung cư.

"Cần phải phân loại nhà chung cư theo cơ chế thị trường là nhà chung cư có quyền sở hữu 50 năm và nhà chung cư có quyền sở hữu lâu dài, từ đó định giá để người mua được bảo vệ quyền lợi", ông Đường kiến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem