Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân Thủ đô thu "vàng" từ trái vàng

Thu Hà Thứ sáu, ngày 10/11/2017 13:15 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, người tiêu dùng Thủ đô đã biết thêm một giống bưởi đặc sản, quả to, có vị ngọt, ngon là giống bưởi đường Quế Dương. Giống bưởi quý này hiện đã được người dân ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhân rộng để phát triển theo hướng hàng hóa.
Bình luận 0

Những triệu phú trồng bưởi

Anh Nguyễn Duy Hà (ở đội 7, Cát Quế) là một trong những gia đình làm giàu từ trồng bưởi Quế Dương. Đang mùa bưởi chín, khu vườn nhà anh Hà thơm ngào ngạt, cành la cành bổng quả sai lúc lỉu, vàng óng. Anh Hà phấn khởi nói: “Bưởi đường chín sớm trồng khoảng 4 năm là ra quả, cây cho quả ngon nhất từ 7 tuổi trở đi. Cây trưởng thành có thể cho 200-400 quả/cây. Tuổi thọ cây bưởi từ 30-40 năm. Quả to có trọng lượng  từ 0,8-1,2kg/quả; quả nhỏ nặng từ 0,5-0,6kg. Vỏ bưởi mỏng, sọ to, vị bưởi ngọt, thanh mát được các shop bán hoa quả an toàn ở Hà Nội rất ưa chuộng. Mỗi năm nhà tôi thu hái khoảng 1.000-2.000 quả bưởi đường chín sớm. Những quả to hái đến đâu các cửa hàng “ôm” hết đến đấy với giá 60.000 đồng/quả”.

img

Từ trồng giống bưởi đường Quế Dương, anh Nguyễn Duy Hà đã có thu nhập cao.  Ảnh: Trần Dũng

"Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi đường Quế Dương xã Cát Quế cũng khuyến khích người dân trồng bưởi theo quy trình VietGAP và tiến tới xin cấp chứng nhận bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, qua đó vừa khẳng định thương hiệu bưởi đường Quế Dương, vừa nâng cao giá trị kinh tế từ trồng bưởi”, ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế.

Đặc biệt, giống bưởi này thuộc loại chín sớm, có thể thu hoạch từ rằm tháng Tám, sớm hơn bưởi Diễn khoảng 2-3 tháng. Ngoài ra, bưởi Quế Dương còn có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nên quả an toàn và sạch. Quả khi chín hái xuống có thể để lâu mà không bị thối. Ở xã Cát Quế, rất nhiều gia đình đã thành triệu phú nhờ trồng bưởi. Cùng với anh Hà thì vườn bưởi của các ông Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Duy Chung, Nguyễn Danh Đỉnh… là những vườn bưởi ngon có tiếng. Đều được trồng từ 15-20 năm nên cứ giáp tết là khách hàng về đặt mua cả vườn.

Ông Nguyễn Văn Mười - chủ vườn bưởi 15 năm tuổi ở đội 7, xã Cát Quế cho biết: Muốn bưởi ngon, điều quan trọng nhất là chọn được cây giống đầu dòng, kết hợp với áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc phù hợp.

Cụ thể, ở thời kỳ ra hoa, tiến hành phun phân bón lá, kích thích đậu quả, đến tháng 5 thì bao quả để hạn chế sâu bệnh và chống rám nắng, ruồi châm... Đối với những cây bưởi phát triển xanh tốt, khoảng tháng 11 phải khoanh vỏ để hãm cây, hạn chế ra lộc và hoa trái vụ. Khi thu quả xong phải cắt tỉa cành sâu, vệ sinh gốc bưởi, sau đó bón thúc bằng phân vi sinh tổng hợp để cây bưởi nhanh hồi phục, phát triển mạnh.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông Mười cho thu hoạch ổn định 10 năm nay. Với 80 gốc bưởi (khoảng 2,5 sào), gia đình ông thu hoạch được 4.500 quả, giá bán buôn tại vườn là 38.000 đồng/quả, trừ chi phí lãi 160 triệu đồng. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Duy Chung trồng 3 sào, hằng năm lãi 130-170 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Danh Đỉnh trồng gần một sào lãi 60 triệu đồng...

Xây dựng thương hiệu “Bưởi đường Quế Dương”

Ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế cho biết: Từ nhiều năm trước, người dân xã Cát Quế đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai sang trồng bưởi Diễn, bưởi đường... cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.

“Hầu như các hộ dân trong xã đều trồng bưởi. Thông thường, mỗi nhà đều trồng một vài cây để lấy quả. Trong đó có nhiều cây trên 20 năm tuổi vẫn cho thu hoạch đều. Hiện đất nông nghiệp của xã đang trồng cây ăn quả chủ yếu với các giống bưởi đường Quế Dương, bưởi Diễn, cam Canh”- ông Hảo thông tin.

Theo ông Hảo, từ khi xã tiếp nhận dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy huyện Hoài Đức” của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam khiến bưởi Quế Dương như được tiếp thêm sinh khí mới.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã lập vườn ươm, tiến hành nhân giống bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại như Invitro, cấy ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra nguồn giống hoàn toàn sạch bệnh, khỏe mạnh mà vẫn giữ được các đặc tính ưu việt của giống bưởi đường Quế Dương. Đồng thời người trồng bưởi đường Quế Dương cũng được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản theo quy trình công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, từ năm 2014 giống bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá trị hàng hóa đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Hảo, hiện nay diện tích trồng cây ăn quả ở Cát Quế còn nhỏ, lẻ, phân tán; hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 sào, hộ ít 1-2 sào. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem