Thông điệp cảnh báo hậu quả nghiêm trọng

Thứ tư, ngày 27/06/2012 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tổ chức tốt Ngày Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) sẽ là một dịp để đưa thông điệp cảnh báo hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của TNGT với toàn xã hội".
Bình luận 0

“Nếu tổ chức tốt Ngày Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) sẽ là một dịp để đưa thông điệp cảnh báo hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của TNGT với toàn xã hội, để hình thành nên nếp sống văn hóa giao thông” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NTNN.

img
Ngày tưởng niệm sẽ là thông điệp nhắc nhở việc tuân thủ quy định pháp luật về giao thông (ảnh minh họa).

Tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc vừa qua, Ủy ban ATGTQG đề xuất việc tổ chức ngày lễ tưởng niệm những người tử vong vì tai nạn giao thông. Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà Uỷ ban muốn tổ chức ngày lễ tưởng niệm này?

- Tổ chức Liên Hợp Quốc chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm làm Ngày Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Theo thông lệ quốc tế, ngày tưởng niệm năm nay được tổ chức vào 18.11 tới. Liên Hợp Quốc đã triển khai được 7 năm, còn Việt Nam chúng ta cũng chưa biết đến ngày này.

Ngoại trừ năm 2011, Ủy ban ATGTQG thông qua một tổ chức quốc tế cũng tổ chức một hoạt động rất nhỏ tại TP.HCM về nội dung này mang tính thử nghiệm.

Năm nay là Năm An toàn giao thông nên Ủy ban ATGTQG nhận thấy rằng, nếu chúng ta tổ chức tốt ngày tưởng niệm này sẽ là một dịp để chúng ta đưa thông điệp cảnh báo những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của TNGT đối với toàn xã hội. Đây cũng là dịp thông tin, truyền thông để người tham gia giao thông dần hình thành nên nếp sống văn hoá giao thông.

Ngày lễ dự kiến sẽ được tổ chức như thế nào?

- Ủy ban sẽ ban hành kế hoạch tổ chức ngày tưởng niệm trong tháng 7 tới. Ngày này sẽ tổ chức ở tất cả các địa phương, được truyền hình trên VTV1. Ngoài lễ tưởng niệm, vào ngày đó cũng sẽ ra mắt Quỹ Hỗ trợ gia đình nạn nhân TNGT. Ở châu Âu, vào thời điểm đó, tất cả các nhà thờ đều rung chuông. Còn chúng ta sẽ có cách tổ chức để phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của Việt Nam.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, cả nước có 11.000 người chết vì TNGT. Báo cáo của Ủy ban ATGTQG cho thấy, 6 tháng đầu năm, dù có giảm nhưng cả nước đã xảy ra 17.886 vụ TNGT, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người.

Có ý kiến cho rằng, tuyên truyền bằng hình ảnh người chết do TNGT sẽ gây ám ảnh tâm lý người dân. Ông có ý kiến gì về suy nghĩ đó?

- Khi quyết định làm lễ tưởng niệm này, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế việc một số đài truyền hình địa phương làm các phóng sự “TNGT - nỗi đau còn đó” có đưa hình ảnh người nhà nạn nhân, hình ảnh vụ TNGT cho thấy, đây là việc nên làm.

Ban đầu, nhiều người phản ứng việc đưa hình ảnh, nỗi đau của TNGT lên, nhưng sau đó, dư luận lại ủng hộ. Chính những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT cũng xác định phải vượt qua nỗi đau và tự mình thành những nhân chứng, tuyên truyền viên cho ATGT.

Về ý kiến nêu trên, chúng tôi ghi nhận và sẽ cân nhắc trong cách làm. Nhưng dù sao, cũng không thể không đi thẳng vào vấn đề vì TNGT đang mang lại hậu quả ghê gớm cho xã hội. Tới đây, các kênh truyền hình sẽ tiếp tục đưa các phóng sự “TNGT - nỗi đau còn đó” hay “Đằng sau tai nạn giao thông”.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem