Uy tín Việt Nam
Trước khi lên đường sang Cộng hòa Trung Phi làm nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017 – 2018,anh Sơn không thể ngờ rằng ở đất nước Châu Phi xa xôicòn nghèo đói, loạn lạc, bệnh tật, hai chữ “Việt Nam” lại được người dân nhắc nhiều đến thế.
Tại đây, hai chữ “Việt Nam” là cả đất nước, con người, lịch sử Việt Nam, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Và cũng hai chữ ấy hóa tấm thiệp đặc biệt giúp những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam được chào đón thân thiện ngay cả khi đi qua trạm kiểm soát của phiến quân.
Các sỹ quan Việt Nam luôn được chọn dẫn đoàn công tác của Liên Hợp Quốc.
Theo Thượng tá Sơn, có lẽ lời nhận xét chân thành và ấn tượng nhất, khiến bất cứ ai được nghe đều cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam, là lời của Thiếu tướng Traore Daniel Sidiki - Phó Tư lệnh Quân sự Phái bộ MINUSCA, nói với anh:“Tôi biết rất nhiều về Việt Nam, tôi rất yêu mến các bạn. Tôi cũng đọc và tìm hiểu rất nhiều về Tướng Giáp, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi khâm phục lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, và đặc biệt ấn tượng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thực sự nể tài năng của Tướng Giáp, bản thân tôi luôn lấy hình tượng ông để nỗ lực phấn đấu”.
Xét về lịch sử, Trung Phi và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Trung Phi cũng từng là thuộc địa của Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương, làn sóng đòi độc lập của các quốc gia thuộc địa của Pháp tại Châu Phi rất mạnh mẽ.
Lấy Việt Nam là hình mẫu, họ đồng loạt nổi dậy vũ trang và phi vũ trang, đấu tranh chính trị đòi độc lập. Và thành công đã đến, Cộng hòa Trung Phi tuyên bố độc lập vào năm 1960.
“Uy tín Việt Nam qua các cuộc chiến tranh là rất lớn. Người dân Trung Phi thấy được một Việt Nam hùng mạnh về quân sự, cho rằng bộ đội Việt Nam thật thiện chiến, kiên cường.Khi làm việc mà họ biết mình là người Việt Nam, họ tỏ ra hợp tác làm việc với mình hơn.
Dọc đường công tác, phải gặp cả lực lượng đối lập và quân chính phủ. Mỗi lần thấy xe của Liên Hợp Quốc đi qua trạm kiểm soát, họ thường lục lọi rất kỹ.Tuy nhiên, khi thấy xe có lá cờ đỏ sao vàng, sĩ quan mặc áo gắn phù hiệu vải có chữ ‘Việt Nam’ trên ngực, nhóm binh lính canh gác sẽ ngay lập tức cho qua” - anh Sơn cho biết thêm.
Mỗi lần như thế, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam lại có cảm giác như mình được có tấm lá chắn đặc biệt trong tay vậy.
Cũng nhờ có thứ tình cảm đặc biệt đó của người dân Trung Phi mà sĩ quan Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên Hợp Quốc. Trong các chuyến công tác, ngoài treo cờ đỏ sao vàng, các sĩ quan Việt còn gắn thêm hai chữ “Việt Nam” trên xe.
Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh và dọn dẹp vệ sinh trong Phái bộ cũng rất có thiện cảm khi gặp gỡ, tiếp xúc với các sĩ quan Việt Nam.
“Mỗi lần đi qua cửa an ninh, họ đều đề nghị dạy họ lời chào của Việt Nam. Tiếng ‘Ô, xin chào!’ được họ nói ra mỗi khi gặp chúng tôi, tuy nghe không rõ nhưng cũng đủ tạo ra sự gần gũi, gắn kết giữa hai bên” - anh Sơn xúc động nhớ lại.
Thứ tình cảm gắn kết đó có lẽ còn được người dân Trung Phi truyền lại cho con em họ. Trên đường đi từ nhà đến Phái bộ, trẻ em nơi đây thường chạy ra bắt tay các sĩ quan Việt Nam.
“Đang ở trong nhà mà nhìn qua khe cửa thấy chúng tôi, từ xa bọn nhỏ đã chạy ào ra để được bắt tay. Chúng phải chạy đuổi theo cho bằng kịp, thậm chí còn tranh nhau bắt tay trước” - anh Sơn cho biết.
Thể hiện vai trò của Việt Nam với hòa bình thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là một chủ trương đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, được sự ủng hộ của LHQ, của cộng đồng quốc tế và của đông đảo nhân dân trong nước.
Dù chỉ với lực lượng ít ỏi và kết quả khiêm tốn, nhưng hoạt động đó cũng đủ khẳng định Việt Nam đủ khả năng tham gia và tham gia tích cực, hoàn thành tốt các hoạt động của LHQ.
“Những kinh nghiệm quý báu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam có thể áp dụng và áp dụng tốt cho việc kiến tạo và củng cố hòa bình trên thế giới, cụ thể là hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của LHQ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định cho các sỹ quan tham gialực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình có hiệu quả và ngày càng tốt hơn thì cần phải tăng cường nội lực của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, đặc biệt coi trọng hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với LHQ cùng các đối tác có kinh nghiệm để càng ngày thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Cụ thể, Việt Nam sẽ tiếp tục cử các sĩ quan tham mưu làm nhiệm vụ tại các phái bộ, tích cực chuẩn bị huấn luyện, tổ chức lực lượng và triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2, đại đội công binh đi làm nhiệm vụ, cử một số sĩ quan ưu tú tham gia vào các cơ quan gìn giữ hòa bình của LHQ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.